Rước bệnh vì ăn uống cùng "boss"
Nhiều người thường âu yếm gọi thú cưng như chó, mèo là “boss”, tự nhận mình là “con sen”. Họ luôn chăm sóc chu đáo cho các “boss” của mình, từ đáp ứng nhu cầu cơ bản đến dẫn thú cưng đi du lịch, cho ăn uống chung khi tới quán cà phê, nhà hàng...
Chó, mèo là những người bạn trung thành gần gũi với con người. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc dành thời gian bên chó, mèo hay nhiều loài động vật khác có thể khiến chúng ta hạnh phúc, khỏe mạnh hơn, giải tỏa căng thẳng và đạt hiệu quả cao hơn trong công việc.
Các "boss" ngày càng có vị trí quan trọng, được coi là thành viên trong gia đình. Người nuôi thú cưng vì có tình cảm thân thiết, xem chúng như bạn bè thân thuộc và hết lòng chăm sóc, thậm chí dẫn chúng tới spa để cắt lông, tỉa móng, đưa đi khám bệnh hay đi du lịch, vui chơi tại các điểm công cộng. Nhiều người cùng chơi, cùng ngủ, cùng ăn, thậm chí còn hôn chó, mèo.
Trên trang Facebook, Tiktok của nhiều bạn trẻ yêu thích thú cưng, không khó bắt gặp hình ảnh "con sen" dẫn "boss" vào quán cà phê, nhà hàng và cùng thưởng thức trà sữa, kem tươi. Không ít bức ảnh về các con vật ăn uống trong nhà hàng, quán cà phê đã tạo nên cuộc tranh cãi trên không gian mạng về việc nên hay không nên cho thú cưng sử dụng chung đồ vật với người khi ăn uống.
Chị Thu Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Từ trước đến nay chó, mèo luôn thân thiết với con người; việc nuôi chó, mèo dạy cho trẻ tình yêu thương động vật. Tuy nhiên, tại nhiều địa điểm vui chơi, đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn, việc các bạn trẻ vui đùa, âu yếm vuốt ve các "boss", thậm chí ăn uống cùng khiến tôi thấy phản cảm. Có bạn vừa ăn vừa xúc kem, xúc bánh ngọt cho chó, mèo làm các thực khách xung quanh khó chịu. Bởi vậy, nhiều nhà hàng có quy định khá nghiêm ngặt về việc không được đem theo chó, mèo. Nếu muốn cho thú cưng ăn uống thì nên để riêng ra một vật dụng nào đó để bảo đảm vệ sinh".
Thú cưng giúp chúng ta xả stress, mang lại niềm vui trong cuộc sống... Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc và phòng ngừa thì các "boss" có thể mang đến cho người nuôi nhiều loại bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, chó, mèo được khá nhiều người nuôi. Gia đình có khuôn viên rộng rãi thì còn đỡ, không gian nhà ở chật hẹp thì vật nuôi thường xuất hiện ngay cạnh con người, có khi ăn ngủ ngay trong phòng của chủ. Việc tiếp xúc với vật nuôi quá nhiều có thể khiến con người lây nhiễm một số bệnh.
"Việc để chó, mèo đến gần nơi nấu ăn, nơi ăn uống là vô cùng nguy hại, lông chó hay mèo rất dễ bay vào các món ăn, nhất là những món ăn đã chế biến. Thức ăn dính phải lông thú cưng dễ khiến người ăn bị nhiễm trứng giun đũa, trứng giun này có thể xuyên qua thành ruột và vào máu thành ấu trùng, sau đó chúng di chuyển đến não, tim, phổi... gây ảnh hưởng đối với sức khỏe" - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo nuôi trong nhà. Một số bệnh nhân đã tới nhiều bệnh viện, phòng khám da liễu nhưng vẫn không biết mình bị bệnh gì. Có khi từ một vết ngứa trên tay sau lan rộng khắp cơ thể, có người tự mua thuốc bôi nhưng chỉ đỡ được một thời gian, sau đó bệnh tái phát.
Đa số bệnh nhân không nghĩ rằng thú cưng của mình có thể gây bệnh giun đũa... Không ít bệnh nhân mắc bệnh da liễu, viêm da cơ địa với biểu hiện ngứa dữ dội, lở loét khắp người và phải chữa trị hơn chục năm mới biết mình nhiễm giun đũa chó, mèo từ thú cưng trong nhà.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết: "Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng ban đầu là ngứa, nổi dị ứng trên da, có trường hợp đã đi khám ở bệnh viện khác, hoặc tự mua thuốc bôi nhưng chỉ đỡ được một thời gian rồi phát bệnh trở lại. Rất ít bệnh nhân phát hiện bệnh sớm".
Chúng ta không thể tìm thấy trứng hay ấu trùng của giun đũa chó, mèo trong phân người, mà chỉ có thể tìm thấy kháng thể của giun đũa chó, mèo trong máu bệnh nhân kèm theo một số chỉ số bạch cầu ái toan tăng cộng với triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh.
Bệnh ngứa không gây nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng khiến ta khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nhiều bệnh nhân cho biết, lúc nào họ cũng phải mang bên mình hộp thuốc dị ứng, thấy ngứa là phải uống ngay. Bệnh sẽ tiến triển nặng hơn nếu không được chẩn đoán đúng. Đa số bệnh nhân tới viện trong tình trạng xuất hiện nhiều vết xước trên da. Ấu trùng giun đũa ký sinh ở chó, mèo; khi người bị lây nhiễm, ấu trùng sẽ thâm nhập qua niêm mạc ruột, đi vào hệ bạch huyết và gây bệnh ở người.
Con đường nhiễm bệnh giun đũa từ chó, mèo rất đa dạng. Nếu phân của chúng không được xử lý đúng cách thì ấu trùng giun đũa chó, mèo có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp, qua nước uống, đồ ăn, thậm chí có thể lây qua đường hít thở.
Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó, mèo, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo: Không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó, mèo. Người nuôi nên vệ sinh sạch sẽ cho chó, mèo, bát đựng thức ăn; chất thải của chó, mèo cần được xử lý sạch sẽ.
Việc tẩy giun định kỳ cho chó, mèo sẽ giúp giảm nguy cơ truyền ấu trùng giun đũa từ chó, mèo sang người. Người dân, khi nghi ngờ nhiễm bệnh có thể tìm tới các cơ sở chuyên khoa về bệnh ký sinh trùng trên toàn quốc.
Các loại đồ ăn vặt có thể gây hại cho thú cưng
Nhiều người nuôi thú cưng thường có suy nghĩ "chủ ăn gì thì vật nuôi ăn đó”. Tuy nhiên, trong thực tế, có những loại thực phẩm mà con người thích ăn lại không đảm bảo an toàn khi cho chó, mèo sử dụng.
Việc ăn hành, tỏi khiến chó, mèo bị tổn thương hồng cầu và rối loạn tiêu hóa. Nhiều người nấu thức ăn với tỏi và khi thừa thức ăn, họ nghĩ rằng có thể cho chó, mèo ăn phần "dôi dư” đó một cách bình thường. Thực tế, chất thiosul-phate có trong hành sẽ khiến chất độc tích tụ dần trong ruột chó, mèo.
Các loại snack, bim bim, thịt muối, thịt hun khói, khoai tây chiên đóng gói sẵn là đồ ăn vặt yêu thích của nhiều người. Có những chủ nhân thường cho thú cưng ăn các loại thức ăn này, thậm chí thích dùng đồ ăn vặt để thưởng cho chó, mèo khi chúng thực hiện tốt các bài huấn luyện mà không nghĩ rằng điều này thực sự có hại đối với chúng. Các loại thức ăn nhanh, thịt chứa nhiều muối - quá mặn sẽ gây khát nước, khiến chó, mèo đi tiểu nhiều (thất thoát canxi), ảnh hưởng xấu đến thận và hệ bài tiết của chúng. Chất methylxanthines có trong cà phê khiến chó, mèo bị tăng động, run rẩy, co giật, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.
Người làm bánh ngọt, bánh kem hiện thường sử dụng socola hoặc cà phê để tăng khẩu vị, sử dụng xylitol làm chất tạo ngọt. Khi chó, mèo ăn nhiều các thực phẩm này, lâu ngày có thể gây nên tình trạng nôn ói, choáng váng, hôn mê, co giật, suy gan và bệnh về đường huyết.
Do đó, khi dắt thú cưng vào các cửa hàng cà phê, bánh ngọt, chúng ta không nên cho chúng ăn các loại bánh kem, bánh ngọt hay trà sữa vị socola, nước ca-cao nóng...
Thanh Phong