Không lơ là, buông lỏng quản lý
Kết luận Hội nghị giao ban tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội yêu cầu các quận, huyện phải có kế hoạch chống tái lấn chiếm đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng.
Đây không phải là lần đầu tiên đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án lưu ý điều này, cho thấy sự cần thiết, tầm quan trọng của vấn đề.
Đối với Dự án đường Vành đai 4, giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. Mặc dù khối lượng công việc lớn, đòi hỏi hoàn thành trong thời gian ngắn, nhưng đến nay, diện tích đã giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn Hà Nội là hơn 686ha, chiếm 86,49% tổng diện tích đất phải thu hồi. Thành quả này có được là nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân. Nhờ kết quả giải phóng mặt bằng, dự án đã được khởi công đúng tiến độ, đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng của một công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia - động lực kết nối và phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Vì vậy, tập trung quản lý chặt chẽ diện tích đất sạch đã thu hồi, bảo đảm không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi trách nhiệm cao của các cấp, ngành, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và nhân dân 7 quận, huyện có dự án đi qua.
Sở dĩ lãnh đạo thành phố phải nhiều lần lưu ý công tác quản lý, chống tái lấn chiếm diện tích đất đã giải phóng mặt bằng là vì thực tế rất dễ xảy ra vi phạm, kéo theo hệ lụy phức tạp, có thể làm chậm tiến độ dự án. Huyện Thanh Trì từng phải xử lý nạn đổ trộm phế thải và tái lấn chiếm diện tích đã giải phóng mặt bằng Dự án tổ hợp Ga Ngọc Hồi. Hay, một trường hợp ở quận Bắc Từ Liêm tái lấn chiếm đất đã giải phóng mặt bằng để trồng đào, sau đó “yêu cầu” muốn lấy lại mặt bằng, phải hỗ trợ 30 triệu đồng/cây đào, số tiền “đòi hỗ trợ” lên tới hơn 19 tỷ đồng... Vụ việc sau đó phải mất nhiều công sức để xử lý.
Để thực hiện tốt chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải coi chống tái lấn chiếm quan trọng như công tác giải phóng mặt bằng. Mỗi địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để thực hiện tốt việc quản lý và bàn giao để tổ chức thi công hiệu quả, bảo đảm tiến độ.
Cấp ủy, chính quyền quận, huyện, phường, xã, thị trấn cũng cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” gắn với thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13-9-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội”; nhất là đề cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu ở cấp cơ sở. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy, Thanh tra Nhà nước cấp trên cần thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, phòng ngừa tình trạng chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý...
Đặc biệt, các địa phương phải chủ động tổ chức các mô hình tự quản, huy động sự tham gia giám sát của nhân dân; áp dụng khoa học công nghệ trong việc lưu trữ dữ liệu hiện trạng diện tích đất đã giải phóng mặt bằng làm căn cứ để phát hiện và xử lý vi phạm.