Xây dựng cộng đồng làm nền tảng phát triển nông nghiệp, nông thôn
Chiều 16-8, Bộ NN&PTNT tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong thực hiện chiến lược nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng nhấn mạnh, tọa đàm nhằm tiếp cận cộng đồng không phải là mô hình, thiết chế mà là tư duy, cách tiếp cận mới mẻ; những câu chuyện bàn luận tại tọa đàm giúp hiểu chiều sâu và giá trị của cộng đồng để thoát ra khỏi tư duy hành chính. Từ đó, bên cạnh quản lý dựa vào công cụ pháp luật, thể chế, có thể tiếp cận cách quản lý dựa vào cộng đồng.
“Một mô hình có thể thay đổi bằng một mô hình nhưng tư duy lại được kết tinh, chọn lọc từ những kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc cần hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI, các nhà kinh tế hay nói về chính sách, các nhà kỹ thuật nói về kỹ thuật và các nhà quản lý hành chính thường nói về các biện pháp hành chính, nhưng phát triển nông nghiệp không phải là vì cây lúa hay con heo, mà là vì nông dân là chính.
Vì thế, ông Phát cho rằng, phát triển ngành nông nghiệp phải được coi là công tác nông vận, đồng thời kết hợp chính sách và giải pháp hành chính.
"Bài học mà chúng ta rút ra mấy chục năm vừa qua là phải dựa vào nông dân, phát huy vai trò tập thể, doanh nghiệp để phát triển kinh tế tốt hơn. Làm thế nào để mục tiêu này đạt được hiệu quả cao hơn, đó là lý do chúng ta cùng ngồi đây để cùng chia sẻ trong tọa đàm này", ông Phát nói.
Tại tọa đàm, các đại biểu tham luận về các vấn đề có sự đóng góp rất lớn của của cộng đồng như: Bảo vệ, phát triển các nguồn lợi thủy sản, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn; phương pháp phát triển địa phương dựa vào nội lực cộng đồng - phát triển cộng đồng dựa vào nội lực. Hiện nay, có ít nhất 18 tỉnh ở Việt Nam áp dụng phương pháp này trong xây dựng nông thôn mới…
Để phát triển lại mô hình cộng đồng nông thôn, cần tổ chức đơn vị cộng đồng nhân dân như: Hiệp hội ngành nghề, tổ hợp tác, hội quán. Đồng thời, lấy hoạt động kinh tế phát triển tổ chức cộng đồng, trong đó, hợp tác xã nông nghiệp bảo đảm cung cấp vật tư đầu vào, thu mua nông sản đầu ra và hỗ trợ dịch vụ phục vụ sản xuất; thay thế trung gian thương lái, đầu nậu.
Hợp tác xã phi nông nghiệp dẫn dắt kinh tế hộ phát triển ngành nghề; vùng đồng bào dân tộc cho các tổ chức cộng đồng tham gia quản lý, khai thác dịch vụ trồng rừng, bảo vệ biên giới, bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất…