Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Ngày 16-8, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”.
Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Hội thảo có sự tham dự của các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà khoa học, chính quyền địa phương...
Chủ trương độc đáo, nhân văn của Đảng, Nhà nước
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước trong tiến trình đổi mới, thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta. Đây là quyết sách phù hợp thực tiễn, điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân.
Tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, có hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, nhìn lại hoạt động của NHCSXH hơn 20 năm qua, đặc biệt 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cho thấy sự đổi mới tư duy, nhận thức mạnh mẽ, thể hiện định hướng lãnh đạo của Đảng về thúc đẩy tín dụng chính sách xã hội phát triển phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn của tiến trình đổi mới.
Theo Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, đến 31-7-2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 190 nghìn tỷ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 40-CT/TƯ, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31-7-2023 đạt hơn 305 nghìn tỷ đồng, tăng gần 176 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 109 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,7%) với hơn 2,2 triệu khách hàng dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30 nghìn tỷ đồng (chiếm 9,8%) với gần 540 nghìn khách hàng dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số hơn 75 nghìn tỷ đồng (chiếm 24,7%) với hơn 1,4 triệu khách hàng dư nợ…
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác...
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước, thực hiện 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (về nhà ở dân cư; thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh).
Từ thực tiễn địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết, lũy kế từ năm 2014 đến ngày 30-6-2023, ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, các nguồn đầu tư hợp pháp khác ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh và phòng giao dịch NHCSXH huyện đạt 502,2 tỷ đồng. Từ đây, bổ sung nguồn vốn cho nhiều đối tượng tiếp cận, sử dụng hiệu quả.
Còn theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, tính đến ngày 30-6-2023, dư nợ ủy thác qua Hội đã đạt hơn 115 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 38,22% trong tổng dư nợ của các đoàn thể nhận ủy thác) với 2,5 triệu hộ vay thông qua 62.122 tổ tiết kiệm vay vốn…
Đồng vốn tín dụng chính sách đặc biệt có ý nghĩa đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận hầu hết chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai.
Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho đồng bào và theo vùng miền. Vốn này đã giúp giải quyết vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của đồng bào như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất…
Tập trung nguồn lực, mở rộng đối tượng vay vốn
Tại hội thảo, các đại biểu cũng phân tích những khó khăn khi triển khai tín dụng chính sách trong bối cảnh mới. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, quy mô nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cần được tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi trong thời gian 5 năm, 10 năm tới; cần nghiên cứu nâng định mức vay cao hơn, thời gian vay dài hơn, mở rộng đối tượng cho vay sang người có thu nhập rất thấp, cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình...
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; một số nhiệm vụ đề ra chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, triệt để; việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH có lúc chưa kịp thời, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của đối tượng thụ hưởng…
Từ những hạn chế đó, các đại biểu kiến nghị Nhà nước tiếp tục tạo cơ chế cho NHCSXH đa dạng nguồn vốn huy động, thực hiện tốt các chương trình tín dụng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo; khuyến khích nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác tham gia thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tranh thủ khai thác nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho vay; duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các địa phương cũng làm rõ mô hình tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành của NHCSXH. Trên cơ sở thực trạng hoạt động của NHCSXH những năm qua, hội thảo tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cho những đề xuất giải pháp nhằm đưa hoạt động của NHCSXH lên tầm cao mới, trợ giúp tốt hơn cho đối tượng chính sách.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đề nghị các bộ, ngành xem xét, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung Chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình có mức sống trung bình được vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy lùi, từng bước xóa bỏ nạn “tín dụng đen”; điều chỉnh nâng mức cho vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 30 triệu đồng/công trình.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, đại biểu, qua đó làm căn cứ khoa học tham mưu tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để NHCSXH phát triển ổn định, bền vững, đủ năng lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội ngày càng hiệu quả hơn.