Lao động - Việc làm

Công ty đặc biệt dành cho những người tự kỷ

Nguyên Anh 16/08/2023 - 12:25

Ở giữa Thủ đô Hà Nội, có một công ty đặc biệt dành cho người tự kỷ đang hoạt động nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Nơi đó, họ có thể phục vụ khách dùng món, lựa sách, mua sắm...

Trải nghiệm dịch vụ tại một công ty đặc biệt

Cứ đúng 8 giờ sáng hằng ngày, công ty VAPs (Vietnam’s Autism Projects) - nơi cung cấp dịch vụ nhà hàng, thư viện và siêu thị, tại đường Mai Anh Tuấn, quận Ba Đình - bắt đầu ngày mới bằng việc chào đón những vị khách đã có lịch hẹn trước đó tới trải nghiệm chuỗi dịch vụ. Mỗi dịch vụ sẽ có một nhóm nhân viên riêng biệt phụ trách và đặc biệt, nhân viên đều là những bạn trẻ mắc chứng tự kỷ.

vaps.jpg
Thực khách được phục vụ tại nhà hàng Hạnh Phúc 

Chẳng hạn như tại nhà hàng Hạnh Phúc do Bách (22 tuổi) và Hoàng (18 tuổi) phụ trách, một người lo việc pha chế đồ uống, người còn lại đảm nhiệm việc gọi món và bưng bê.

Không để khách chờ đợi lâu, Bách và Hoàng ngay lập tức thực hiện phần công việc của mình với những món ăn được trình bày đẹp mắt và ngon miệng. Đồ ăn uống quen thuộc tại đây là những chiếc bánh pizza nóng hổi, hấp dẫn, những ly cà phê thơm hương được phục vụ trong một không gian lịch sự và ấm cúng. Đặc biệt, thực khách tới đây có thể cảm nhận được thái độ phục vụ chuyên nghiệp, chỉn chu.

Sau khi dùng bữa, khách hàng tiếp tục ghé thăm hiệu sách Hạnh Phúc. Khôi (21 tuổi) và Nguyên (17 tuổi) là những nhân viên giới thiệu, tư vấn cho khách. Khi khách hàng cần giúp đỡ, với nụ cười niềm nở, cả hai đều hỗ trợ vô cùng nhiệt tình, đề xuất những cuốn sách hay và phù hợp với nhu cầu của khách.

Siêu thị mini là trải nghiệm cuối của khách hàng khi đến với công ty. Quản lý siêu thị là anh Tùng (29 tuổi), cũng là nhân viên lớn tuổi nhất tại đây. So với những nhân viên khác, anh Tùng có khả năng giao tiếp tốt nhất nên anh cũng là người vận hành mọi khâu của siêu thị, từ giới thiệu sản phẩm, tư vấn, cho tới thanh toán cho khách, cùng nụ cười nồng hậu và giọng nói nhẹ nhàng.

Không chỉ được trải nghiệm các dịch vụ, những vị khách đến với công ty VAPs có cơ hội trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu nhiều hơn về thế giới những người mắc chứng tự kỷ. Chị Anh Thư (20 tuổi, ở phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi chưa từng có cơ hội tiếp xúc với người tự kỷ nên việc được tham gia trải nghiệm tại VAPs giúp tôi hiểu hơn về tự kỷ. VAPs đã đem lại cho khách hàng một trải nghiệm hoàn toàn dễ chịu và vui vẻ”.

 Trao cơ hội việc làm lâu dài cho người tự kỷ

Công ty VAPs là một dự án mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ được thành lập vào năm 2019, nhưng phải mất tới 6 năm để triển khai dự án. Việc quản lý một công ty với đội ngũ nhân viên là những người tự kỷ thực sự là một thử thách, đòi hỏi sự kiên trì của người đứng đầu.

Anh Nguyễn Đức Trung, người sáng lập, Giám đốc điều hành công ty tâm sự: “Để có được thành quả như hiện nay, cần cả một quá trình lâu dài với muôn vàn khó khăn. Các bạn tới đây không phải ai cũng phù hợp và làm được ngay những công việc như người bình thường. Có khi phải mất tới vài năm đào tạo để các bạn có thể phục vụ được khách hàng”.

Cũng theo anh Trung, việc gặp gỡ và đào tạo được những nhân viên đặc biệt này là cơ duyên giữa hai bên. Công ty VAPs là nơi giúp đỡ các bạn tự kỷ có thể tự kiếm tiền, là một dự án được vận hành nhờ vào thành quả lao động của chính các bạn nhân viên.

Anh Trung chia sẻ thêm, công ty không phải nhận bất kỳ nguồn từ thiện nào. Các nhân viên được hưởng tiền lương theo ngày và dựa vào sức lao động của từng người. "Tất cả đều bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi được làm việc tại đây. Đây chính là mục tiêu của của chúng tôi, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng tự kỷ”, ", anh Trung nói.

Hiện công ty có tổng cộng 8 nhân sự. Mỗi ngày, VAPs chỉ nhận từng nhóm khách nhỏ dưới 10 người, có lịch hẹn trước để bảo đảm phục vụ được tốt nhất. Hầu hết khách hàng sau khi tới đây đều quay trở lại cũng như giới thiệu thêm bạn bè đến trải nghiệm.

Mong muốn tăng thêm nhiều cơ hội việc làm cho người tự kỷ, anh Trung ấp ủ dự định mở rộng chuỗi dịch vụ của công ty, có thể là dịch vụ giặt là hoặc homestay. Đây vừa là cách để giúp người mắc chứng tự kỷ làm chủ cuộc sống, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, quan tâm của xã hội dành cho người tự kỷ.