Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả tại Chương Mỹ
Trong những năm qua, nông dân huyện Chương Mỹ đã tích cực học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, tăng thu nhập và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động của địa phương.
Toàn xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) hiện có 118 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 378 mô hình vườn - ao - chuồng, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi; trong đó có 30 hộ chăn nuôi lợn cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam.
Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Luận ở thôn Lương Xá (xã Lam Điền) chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, với tổng đàn 1.000 con lợn thương phẩm. Theo ông Nguyễn Văn Luận, trang trại được công ty cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Kinh nghiệm mà gia đình ông rút ra được, đó là phải tập trung chăn nuôi lợn theo đúng quy trình mà công ty đề ra, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất bán ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện trang trại tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng và được hỗ trợ ăn, ở. Trừ mọi chi phí, trang trại lợn của gia đình ông Luận cho thu lãi 500-700 triệu đồng/năm.
Còn theo ông Phan Trung Kiên, chủ trang trại chăn nuôi gà thảo dược sinh sản ở thôn Duyên Ứng (xã Lam Điền), hiện trang trại của gia đình ông đang nuôi 5.000 con gà. Ngoài ra, gia đình ông có xưởng sản xuất dược liệu cà gai leo, nên đã tận dụng phế phụ phẩm này trộn với thức ăn cho gà. Trang trại không sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và thức ăn cho gà chỉ sử dụng trong ngày. Nhờ đó, trứng gà thương phẩm tươi, ngon, không tanh và hàm lượng cholesterol thấp, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch UBND xã Lam Điền Đặng Văn Hùng thông tin, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã được duy trì và phát triển là hơn 33.000 con lợn, 375 con trâu, bò và 300.000 con gà sinh sản, gà thương phẩm… Tổng giá trị sản xuất trong chăn nuôi gia súc, gia cầm toàn xã từ đầu năm đến nay đạt khoảng 74 tỷ đồng.
Tương tự, tại địa bàn xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ), chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung ở 3 thôn: Yên Sơn, Hội Triều, Yên Lạc. Cán bộ thú y xã Đồng Lạc Lê Phú Hiệp cho hay, trên địa bàn xã hiện có 225 con trâu, bò; 10.860 con lợn sinh sản, thương phẩm; 205.000 con gà, vịt. Những hộ chăn nuôi với số lượng lớn (từ 10.000 đến 30.000 con gà), chủ yếu là gia công cho các công ty. Sau khi trừ mọi chi phí, các hộ còn thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhiều mô hình chăn nuôi của hộ dân cũng cho hiệu quả kinh tế khả quan, như gia đình ông Nguyễn Trọng Tấn ở thôn Hội Triều, chăn nuôi vịt thương phẩm, mỗi lứa 5.000 con, một năm 4 lứa, thu lãi 400-500 triệu đồng/năm…
Thu nhập từ chăn nuôi của xã Đồng Lạc từ đầu năm đến nay đạt hơn 100 tỷ đồng. Xã cũng tích cực thực hiện công tác phòng dịch, tổ chức 4 đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc xin cho khoảng 21.000 con gia súc, gia cầm, nên không xảy ra dịch bệnh trong chăn nuôi.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái cho biết, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện hiện có 13.400 con trâu, bò; 202.000 con lợn; 6,3 triệu con gia cầm... Toàn huyện có 583 trang trại chăn nuôi, trong đó có 138 trang trại lợn và 199 trang trại gà chăn nuôi gia công cho các công ty, còn lại là trang trại, gia trại của các hộ dân. Do chú trọng phòng, chống dịch bệnh, nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.
Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch; tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp huyện Chương Mỹ giai đoạn 2021-2025”. Trên cơ sở đó, huyện chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi, nhằm tạo đầu ra ổn định cho các chủ trang trại, gia trại, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.