Bánh sắn Đường Lâm - quà quê quen mà lạ
Ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), bánh sắn được các bà, các mẹ khéo léo biến tấu trong cách làm, trở thành thức quà quê vô cùng hấp dẫn bởi hương vị vừa quen, vừa lạ...
Bánh sắn - món ăn “nhà nghèo” ở nhiều vùng nông thôn xưa dùng để “chống đói” những ngày giáp hạt. Vậy mà hiện nay, ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), bánh sắn được các bà, các mẹ khéo léo biến tấu trong cách làm, trở thành thức quà quê vô cùng hấp dẫn du khách bởi hương vị vừa quen, vừa lạ...
Ngay trước cổng chùa Mía, xã Đường Lâm, hàng bánh sắn của bà Kiều Thị Thảo được nặn, hấp, bán tại chỗ. Nồi bánh sắn bốc hơi nghi ngút, thơm ngào ngạt mùi sắn, mùi nhân hành phi xào với thịt lợn, nấm hương… cuốn hút du khách, đặc biệt vào những ngày Hà Nội vào thu, tiết trời mát mẻ. Bà Kiều Thị Thảo nhanh nhảu mời khách thưởng thức đặc sản quê hương và không quên nhắc khách “nhận diện thương hiệu”: “Đây là bánh sắn Đường Lâm, không phải bánh sắn Phú Thọ!"...
Theo bà Thảo, giống như bao vùng quê xứ Đoài khác, ngày xưa khó khăn nên bánh sắn làm cũng vô cùng đơn giản, cốt ăn để no. Bánh sắn lúc đó không có nhân, người ta phải lấy đũa chọc một lỗ ở giữa cho bánh nhanh chín và chín đều. Bởi vậy, người địa phương thường gọi là bánh sắn nhân đũa. Nhà nào có điều kiện chút thì làm nhân bằng hành lá xào với mỡ lợn. Nguyên liệu làm bánh là sắn củ, phơi khô, xay thành bột. Chính vì vậy mà trong bột vẫn còn lẫn cả xơ, không mịn, ăn cứng.
Ngày nay, bánh sắn không còn là món ăn “nhà nghèo” nữa mà được “nâng tầm” thành đặc sản nức tiếng ở Đường Lâm. Ở làng cổ, các bà, các mẹ đều biết làm món này. Người Đường Lâm ăn bánh sắn bất kể khi nào thích, như một thức quà sáng, quà chiều, món ăn chơi trong những ngày nông nhàn. Tuy vậy, để phục vụ du khách thì chỉ một số hộ làm.
Theo giới thiệu của bà Kiều Thị Thảo, gia đình bà làm bánh bằng tinh bột sắn nên có màu trắng trong, loại bỏ hoàn toàn xơ, ăn mát, giòn, dai. Để làm tinh bột sắn, khi đến mùa rỡ củ, các hộ gia đình ở Đường Lâm thường mua củ tươi về, bỏ đầu đuôi, vỏ, ngâm nước, rửa sạch rồi đưa vào nghiền. Sau đó, tiếp tục ngâm bột để lọc lấy tinh, rồi sấy hoặc phơi khô như cách làm bột sắn dây.
Cùng làm bánh với bà Thảo, bà Vũ Thị Duyên cho biết thêm: Khi nào làm bánh, chúng tôi sẽ lấy bột khô ra chậu rồi đổ nước sôi từ từ vào, vừa cho nước vừa dùng đũa đảo nhanh tay để nước và bột hòa quyện vào nhau. Nhào kỹ đến khi thu được hỗn hợp bột thật dẻo, mịn thì bắt đầu nặn thành bánh. Bên cạnh bột ngon, nhân bánh cũng được lựa chọn kỹ gồm thịt lợn, ngon nhất là phần nạc vai kết hợp với mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, thêm gia vị, xào cho thơm. Sau khi chuẩn bị xong bột và nhân, chúng tôi vo từng viên bột, ấn cho dẹt rồi đặt nhân vào giữa, tiếp tục vo lại rồi cuốn 1 lượt lá chuối để bánh không dính vào nhau khi hấp chín.
Theo bà Kiều Thị Thảo, người tiêu dùng hiện nay rất sành ăn. Chính vì vậy, sản phẩm muốn tiêu thụ được phải thực sự ngon, nguyên liệu phải chuẩn. “Hiện, mỗi ngày, tôi làm vài trăm bánh bán ngay cổng chùa Mía phục vụ bà con trong làng và du khách”. Miếng ngon nhớ lâu, nhiều khách hàng từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh; khách từ nội thành Hà Nội sau khi đi du lịch Đường Lâm về trở thành khách quen, vẫn gọi điện nhờ gửi bánh thường xuyên. Để thuận tiện trong bảo quản, bà Thảo thường để bánh sống đóng vào các hộp. Khách mang về bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh. Khi nào sử dụng tới mới đưa vào nồi hấp, ăn nóng sẽ ngon hơn”, bà Thảo chia sẻ.
Chị Phan Thị Bao, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ bảo tồn di sản làng cổ Đường Lâm cho biết: Người Đường Lâm khéo tay, làm được rất nhiều thức quà ngon, từ bánh gai đến bánh tẻ, từ chè lam đến kẹo lạc, chè kho, tương nếp… Riêng món bánh sắn với cách làm kỳ công của các chị em trong Câu lạc bộ đã mang đến hương vị rất riêng vừa quen vừa lạ, hấp dẫn du khách gần xa.