Bộ GD-ĐT sẽ triển khai nhiều giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo
Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát triển, đổi mới lực lượng nhà giáo. Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ngày 15-8.
Thời điểm này, cả nước có gần 1,6 triệu nhà giáo ở mầm non, phổ thông, thường xuyên, cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục khác. Đây là lực lượng hùng hậu, vốn rất quý của ngành để hoàn thành các mục tiêu to lớn, vẻ vang. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành. Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo. “Có những việc đã làm được, chưa làm được, có thể không làm được, nhưng trong suy nghĩ, tình cảm và hành động của tôi và các đồng nghiệp, các cán bộ quản lý ở Bộ thì luôn luôn đau đáu. Tại các diễn đàn lớn nhỏ, có cơ hội là chúng tôi bày tỏ các kiến nghị để đem lại những gì tốt đẹp nhất cho nhà giáo”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, điều kiện quan trọng đầu tiên là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Trước hết, mỗi nhà giáo tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân.
Bên cạnh đó, cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo. Nhà giáo từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích luỹ kiến thức. Sự thay đổi này hết sức quan trọng mà mỗi nhà giáo cần ý thức được.
Một điểm quan trọng nữa là nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. Trong giai đoạn trước, nhà giáo phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa. Hiện nay, chương trình là thống nhất toàn quốc, sách giáo khoa là học liệu - cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc. Nhà giáo cần sẵn sàng sử dụng các bộ sách giáo khoa khác, các ngữ liệu khác, bài tập khác một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Hiện nay có tới hơn 200 chính sách rải rác trong các văn bản khác nhau từ các bộ, ngành, lượng chính sách lớn như vậy sẽ khó triển khai. Nhiều chính sách phải thông qua các bộ, ngành khác, không phải việc riêng của ngành. Việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại cho chúng ta những chuyển biến tích cực về thể chế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện các giải pháp để khối giáo dục công – tư được bình đẳng trong thực tế. Bộ cũng sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tăng thu nhập cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo; chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa…