Dò dẫm tiến bước
Thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và Iran về trao đổi tù nhân không gây bất ngờ về nội dung mà về thời điểm. Cho tới nay, Iran và các nước phương Tây đã nhiều lần thỏa thuận trao đổi tù nhân với nhau. Bên cạnh đó, giữa Mỹ và Iran trong thời gian gần đây gia tăng bất hòa và xung khắc, làm cho việc hai bên nhất trí với nhau về bất cứ chuyện gì cũng đều trở thành sự kiện đặc biệt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã qua quá nửa nhiệm kỳ cầm quyền mà việc khôi phục hiệu lực đầy đủ của thỏa thuận ký kết hồi năm 2015 về giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) vẫn dang dở. Từ khi ông J.Biden trị vì nước Mỹ đến nay, Mỹ và đồng minh về cơ bản vẫn duy trì những chính sách, biện pháp trừng phạt Iran. Ở vùng Eo biển Hormuz luôn tiềm tàng nguy cơ xảy ra xô xát giữa tàu chiến của Mỹ và Iran. Mỹ đã gia tăng đáng kể mức độ hiện diện hải quân ở vùng biển này, dự tính sẽ còn triển khai thêm quân đội và vũ khí tới vùng Vịnh. Trong bối cảnh tình hình chung như thế, không bất ngờ sao được khi Mỹ và Iran đạt được sự nhất trí về giải pháp cho vấn đề trao đổi tù nhân.
Theo thỏa thuận này, hai bên sẽ trao trả công dân của bên này đang thụ án tù ở bên kia; đồng thời, phía Mỹ đồng ý giải ngân khoản tiền từ 6 đến 7 tỷ USD vốn là tiền nợ Iran của Hàn Quốc mà phía Hàn Quốc chưa kịp thanh toán cho Iran trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump của Mỹ áp dụng trở lại những biện pháp, chính sách trừng phạt sơ cấp và thứ cấp nhằm vào Iran. Số tiền ấy được chuyển đến một tài khoản trung gian ở Qatar và phía Iran được sử dụng nó theo những điều kiện nhất định.
Thỏa thuận này vì thế đề cao vai trò ngoại giao trung gian hòa giải của Qatar và giúp Hàn Quốc bớt khó xử trong mối quan hệ với Iran. Ở giai đoạn đầu tiên của việc thực hiện thỏa thuận, các tù nhân được ra khỏi nhà tù nhưng bị quản thúc tại gia và sẽ được hồi hương trong giai đoạn tiếp theo. Qua đó, có thể thấy hai bên vẫn chưa thật sự tin tưởng nhau.
Thỏa thuận trên là chuyển biến mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, nhưng chưa thể đủ để có được ý nghĩa là sự cải thiện đáng kể và thực chất. Dù vậy, nó đưa lại ba nhận thức với ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Iran.
Thứ nhất, nó cho thấy Mỹ và Iran đối địch nhau quyết liệt đến mấy thì cũng vẫn luôn có thể đi vào đối thoại và thỏa hiệp. Khả năng hai bên đạt được thỏa thuận mới về vấn đề hạt nhân của Iran vì thế vẫn luôn tồn tại.
Thứ hai, cả Mỹ lẫn Iran đều chủ ý kiểm soát và quản trị diễn biến tình hình trong quan hệ song phương nói chung và ở vùng Eo biển Hormuz nói riêng, không để cho mức độ xung khắc, đối địch vượt qua những lằn ranh đỏ mà từng bên đặt ra cho chính mình cũng như hai bên ngầm đặt ra cho nhau. Nói theo cách khác, hai bên sẽ không để xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp với nhau.
Thứ ba, hai bên luôn giữ dư địa cho kịch bản thỏa hiệp với nhau trong tương lai.
Hai bên đạt được thỏa thuận vào thời điểm hiện tại vì Hàn Quốc cần thời gian để chuyển đổi khoản tiền lớn từ đồng won sang đồng USD theo yêu cầu của Iran mà không để ảnh hưởng xấu đến dự trữ ngoại hối và ổn định tiền tệ. Thỏa thuận càng có ý nghĩa khi Iran có nhu cầu sử dụng khối tài sản này càng sớm càng tốt và vì ông Biden không muốn để chuyện Iran cầm tù công dân Mỹ trở thành một con chủ bài vận động tranh cử tổng thống của các ứng cử viên thuộc phe đảng Cộng hòa.