Đầu tư nước ngoài bứt phá
Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong 7 tháng qua được đánh giá là tích cực, trở thành động lực cho tăng trưởng trong bối cảnh nhiều lĩnh vực quan trọng khác rơi vào tình thế "trầm lắng". Dự báo, hoạt động của lĩnh vực này vẫn sẽ tiếp đà khởi sắc trong thời gian tới, góp phần đắc lực vào tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.
Duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính từ đầu năm đến ngày 20-7 đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng năm 2023 đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Những số liệu trên thể hiện sự đảo chiều, bứt phá khá rõ nét mang tính tích cực so với các tháng trước (kết quả thu hút vốn FDI 3 tháng đầu năm giảm 19,3%; 4 tháng đầu năm giảm 1,2%; 5 tháng đầu năm giảm 7,3%; 6 tháng đầu năm giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022). Ngoài ra, số dự án cấp phép mới tăng 75,5%, vốn đầu tư đăng ký cấp mới tăng 38,6% cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Giới chuyên gia khẳng định, sức hấp dẫn của Việt Nam vẫn được duy trì trong mắt nhà đầu tư quốc tế, mặc dù đang diễn ra làn sóng điều chỉnh lại chiến lược cũng như thu hẹp hoạt động đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Điều này cho thấy những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI, cải thiện môi trường đầu tư cũng như phản ứng chính sách của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do cũng tạo ra lợi thế đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, nhất là khi thuế suất đã trở thành thế mạnh, duy trì sức cạnh tranh của Việt Nam trong cuộc đua tiếp nhận dòng vốn quốc tế.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Tập đoàn LG Innotek Cho Ji Tae, những nỗ lực của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng trong cải cách môi trường kinh doanh là một trong những lý do hàng đầu giữ chân nhà đầu tư. Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho rằng, niềm tin các nhà đầu tư châu Âu đã tăng trở lại nhờ việc Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Phát huy tiềm năng, vào cuộc đồng bộ
Đáng lưu ý là ngày càng nhiều địa phương chủ động khai thông các điểm nghẽn, quảng bá tiềm năng, xúc tiến đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư để thu hút dự án mới, trong đó chú trọng những dự án công nghệ cao. Đơn cử, tỉnh Thái Nguyên đã có "chiến dịch" giới thiệu định hướng và quy hoạch phát triển, xu hướng kêu gọi đầu tư nước ngoài vào địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, tỉnh đang sở hữu nhiều điều kiện tốt để đón nhà đầu tư, với chính sách phù hợp và tinh thần năng động, trong đó có việc hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề và đào tạo lại cho người lao động. Đây chính là giải pháp chia sẻ với nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy quá trình triển khai và nâng cao tính khả thi đối với các dự án.
Ở tầm vĩ mô, Chính phủ tiếp tục tập trung đẩy nhanh tốc độ cải cách, hoàn thiện thể chế, quy định liên quan đến FDI; chủ động xúc tiến đầu tư trên bình diện quốc tế, trong đó chú trọng những đối tác lớn, giàu tiềm năng về vốn và công nghệ như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Đặc biệt, các điểm yếu, hạn chế bấy lâu đang được tập trung khắc phục, tạo tiền đề và điều kiện tối đa cho việc thu hút FDI.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, nỗ lực đáng kể nhất là Việt Nam luôn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với thế mạnh ổn định về chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam đang rất chú trọng cải thiện môi trường đầu tư cũng như tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó có những giải pháp rất đúng đắn và kịp thời gồm kiềm chế lạm phát có hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực.
Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy những đánh giá tích cực về triển vọng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Khoảng 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. “Các doanh nghiệp Nhật Bản dự tính mở rộng kinh doanh từ kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam”, báo cáo của JETRO cho biết.
Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản, gần đây, các đoàn doanh nghiệp hàng đầu từ Hàn Quốc và Mỹ dồn dập đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội triển khai dự án mới. Đây là một chỉ dấu tốt đối với lĩnh vực này. Có thể nhận định, việc giới đầu tư nước ngoài quyết định đến Việt Nam giữa lúc dòng vốn suy giảm trên diện rộng do suy thoái kinh tế toàn cầu mang lại triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn.