Văn hóa

Người thầy báo chí với văn hiến Hà thành

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam. Nguyên Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền 15/08/2023 - 06:46

Cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” gồm một số tác phẩm báo chí và những tư liệu khảo cứu văn hóa lần đầu tiên được công bố. Điều đặc biệt là tác giả cuốn sách - nhà báo, nhà giáo, nhà văn hóa Trần Bá Lạn là một trong số hiếm hoi các tác giả xuất bản sách ở dạng một công trình nghiên cứu khoa học khi thầy ở độ tuổi sắp bước qua một thế kỷ đời sống và cống hiến.

ba-lan.jpg
Thầy Trần Bá Lạn (thứ bảy từ trái sang) cùng các thế hệ học trò tại Triển lãm chuyên đề 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), năm 2019.

Người thầy báo chí của nhiều thế hệ nhà báo

Thầy Trần Bá Lạn là người con họ Trần ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Các thế hệ học trò từng là sinh viên của thầy Trần Bá Lạn ở Trường Tuyên huấn trung ương những năm 1960-1980 của thế kỷ trước vẫn luôn kính trọng và yêu mến một người thầy mẫu mực và thông tuệ. Còn lứa chúng tôi vào nghề khi thầy đã nghỉ hưu, tuy không được trực tiếp học thầy qua những giờ lên lớp nhưng lại được đọc và tiếp thu những tinh hoa nghề nghiệp qua những cuốn sách giáo trình nghiệp vụ báo chí trong kho tàng những cuốn sách nghiệp vụ của thầy từ khi chúng tôi mới chập chững vào nghề. Đọc và học theo sách mà quý mến và kính trọng thầy qua những tri thức mà thầy đã truyền dạy từ những cuốn sách quý giá.

Thầy Trần Bá Lạn, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được nhiều thế hệ nhà báo ở Việt Nam biết đến nhờ bộ sách giáo trình: Nghiệp vụ báo chí. Bộ sách được thầy xây dựng khá công phu. Nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú, nguyên Trưởng ban Công tác hội, Hội Nhà báo Việt Nam từng nhận xét: “Xây dựng giáo trình “Nghiệp vụ báo chí” thực sự là một công trình khoa học do thầy Trần Bá Lạn kỳ công làm nên với 2 tập sách dày tới 870 trang, in tới 6.500 cuốn; xuất bản vào năm 1977 và 1978 đã được toàn ngành hoan nghênh đón nhận. Sách nghiệp vụ là cẩm nang, bởi làm báo chuyên nghiệp không thể không có lý luận báo chí, không thể không hiểu rõ các thể loại thông dụng của nghề... Tôi yêu nhiều bài viết của thầy qua các dặm dài cách mạng”.

Với hơn 40 năm làm giảng viên, và làm Chủ nhiệm Khoa Báo chí (từ khóa một đến khóa bảy), thầy đã kiên trì và công phu tổng kết kinh nghiệm qua các khóa đào tạo. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhà trường còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là thiếu hệ thống lý luận báo chí cách mạng, thiếu hệ thống nghiệp vụ báo chí mang tính thực tiễn, thầy đã tiếp cận và mày mò nghiên cứu đúc kết để cho ra đời bộ giáo trình đầu tiên đó.

Đào tạo những người làm báo là một công việc mang tính đặc thù, những năm đó, Khoa Báo chí đã xác định được cách thức phù hợp đó là: Đào tạo gắn với thực tiễn hoạt động báo chí, thực tiễn cách mạng Việt Nam ở từng giai đoạn lịch sử. Mô hình đào tạo, phương thức đào tạo, đối tượng đào tạo, thời gian đào tạo phù hợp với tình hình thực tế. Thời đó, các học viên khóa I được đào tạo trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, các khóa II, III sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất. Các khóa IV, V, VI, VII với bước chuyển mới về thời gian, phương pháp đào tạo phù hợp với quá trình chuẩn bị và công cuộc đổi mới đất nước.

Đặc thù lúc đó là khóa này ra trường mới tuyển sinh khóa tiếp theo hoặc “gối đầu” vì chưa đủ nguồn lực và giảng viên. Có những khóa học đã kéo dài thời gian đào tạo tới 5 năm như khóa V và khóa VI. Điều quan trọng là sự trưởng thành của học viên khi ra trường. Nhiều nhà báo đã từ mái trường ra chiến trường, nhiều người bắt nhịp nhanh với cuộc sống chiến đấu, lao động học tập và trở thành phóng viên giỏi, trưởng thành lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Nhà báo Hải Đường, nguyên Trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân, cựu học viên khóa V nhận xét: “Đối với sự nghiệp đào tạo báo chí, theo chúng tôi, thầy đã tìm cách hạn chế sự “thất truyền” nghề báo bằng cách: Nghiên cứu sâu sắc lịch sử báo chí nước nhà, từ báo chí Việt sơ khai thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, cho đến báo chí thời dựng Đảng (1930) và báo chí thời cách mạng (1930-1945), (1945-1975). Tìm ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt của báo chí nước nhà qua các thời kỳ lịch sử, từ những đặc trưng nổi bật, truyền thống, quan điểm, nội dung, cho đến phong cách, kỹ năng làm báo”.

Với nguyên tắc và phương pháp biên soạn giáo trình được thực hiện từ những năm 70 thế kỷ trước cho đến hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ, mỗi khi đọc lại cuốn giáo trình quý giá đó, vẫn thấy được những giá trị thời sự của các nguyên tắc nghề nghiệp. Đó là một đóng góp lớn của nhà giáo, nhà nghiên cứu Trần Bá Lạn. Điều này, thầy đã nêu rõ trong phần viết về “Cuộc khởi đầu suôn sẻ về sự hình thành lý luận báo chí cách mạng Việt Nam”.

Đọc tập sách mới xuất bản lần này, người đọc sẽ hiểu sâu sắc hơn vì sao mà bộ giáo trình lại có ý nghĩa “bền vững” với thời gian như vậy. Đó là chính tác giả, thầy Trần Bá Lạn đã là một nhà báo lăn lộn với thực tiễn để từ đó đúc kết những bài học giá trị. Lý luận báo chí bắt nguồn từ thực tiễn và không xa rời thực tiễn.

Tập sách của thầy Trần Bá Lạn tập hợp một số tác phẩm báo chí tiêu biểu của những năm tháng say nghề. Những bài viết sâu sắc của một thời về những chân dung người công nhân lao động, người lính ở ngoài mặt trận lúc bấy giờ thật sự là chân dung các anh hùng. Họ chiến đấu và lao động không quản hiểm nguy, cái chết cận kề vẫn lạc quan, đứng vững trên chiến hào sạm sầm khói lửa.

Cùng với những bài phóng sự, ký chân dung, nhà báo trẻ Trần Bá Lạn trong những năm 50-60 thế kỷ trước còn có những bài viết theo đơn đặt hàng của các báo bạn ở Liên Xô, Trung Quốc, Lào... Đó là những bài báo không nghiêng về phía phản ánh thông thường, là minh họa đường lối, ngợi ca, mà là phát hiện cái mới, cái tín hiệu đột khởi, tốt lành của những mầm cây non hứa hẹn một cây lớn, một vườn ươm nay mai.

Từ thực tiễn nghề nghiệp đó, tác giả Trần Bá Lạn đã tìm ra cái “chìa khóa” khi viết giáo trình là phải nắm vững nguyên tắc thể hiện và phương pháp thể hiện. Về nguyên tắc, “phải bảo đảm tính chân thật, tính chiến đấu, tính chỉ đạo, tính quần chúng”. Đây là những nguyên tắc của báo chí cách mạng Việt Nam mang tính đặc thù. Về phương pháp, giáo trình báo chí khẳng định: “phương pháp vừa khoa học, vừa nhằm cho người đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu. Báo chí có nhiều kiểu viết, nhiều thể loại để thích ứng với tính chất, nội dung, thông tin về sự kiện thời sự và vấn đề thời sự”. Những người làm báo hiện đại hôm nay, nếu biết soi vào các nguyên tắc hoạt động của báo chí là tính “chân thật”, “chiến đấu”, “quần chúng”, soi lại vào phương pháp “khoa học”, “giản dị”, “thuyết phục”… thì dẫu thời đại trí tuệ nhân tạo cũng khó có thể thay thế được những vẫn đề nghiệp vụ của các nhà báo chân chính.

Nhà nghiên cứu văn hóa gắn bó với văn hiến Hà Nội

Sự nghiệp nghiên cứu lịch sử văn hóa “khởi đầu” khi nhà giáo Trần Bá Lạn đã chính thức... nghỉ hưu. Vốn kiến thức Hán Nôm được học từ những năm xưa ở Trung Quốc, cộng với tình yêu quê hương Thường Tín - mảnh đất ngàn năm văn hiến đã thôi thúc thầy “Về hưu nhưng không nghỉ”. Với vốn kiến thức Hán Nôm sâu rộng, sâu sắc, thầy Trần Bá Lạn đã “tịnh dưỡng tâm thần” bằng cách nghiên cứu, khai thác nhiều tài liệu với tất cả niềm say mê, tâm huyết và đã công bố nhiều công trình có giá trị. Trong đó, công trình đáng kể nhất là: Khảo cứu lịch sử họ Trần ở Văn Hội, Thường Tín và khám phá, bổ sung, điều chỉnh lịch sử dòng Trần Bính chi từ cụ Thủy tổ (thế kỷ XVII).

Bí thư Huyện ủy Thường Tín (Hà Nội) Nguyễn Tiến Minh cho biết: “Di tích Văn Từ Thượng Phúc, là nơi thờ các Danh nhân khoa bảng xưa kia. Văn Từ Thượng Phúc là minh chứng cho tinh thần hiếu học, cho truyền thống văn hóa - lịch sử của Thường Tín. Tuy nhiên, do thời gian nên bia đá và nhiều hạng mục di tích xuống cấp và bị mai một. Chính thầy Trần Bá Lạn là người đã lặn lội nhiều lần về đây để đọc và dịch nội dung các văn bia đá. Nhờ có thầy mà huyện thấy rõ hơn những ý nghĩa và những giá trị của những văn bia cần bảo tồn đó để có kế hoạch và chiến lược phục dựng các khu bảo tồn di tích sau này”.

Từ những thông tin ban đầu đó, đến các hội thảo khoa học sau này, Huyện ủy và chính quyền huyện Thường Tín đã có nghị quyết về khôi phục giá trị văn hóa lịch sử của di tích, đồng thời kêu gọi xã hội hóa và đã tu bổ thành công một khu di tích khang trang xứng tầm với lịch sử văn hiến của một vùng đất giàu truyền thống.

Sau khi hoàn thành, Văn Từ trở nên tráng lệ, uy nghi. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của công trình lịch sử này, ngày 24-11-2019, huyện Thường Tín đã khởi công Dự án xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc, thôn Văn Hội. Dự án có tổng diện tích 3.516m2 với kiến trúc nội công ngoại quốc, gồm các hạng mục công trình: Tiền tế, thiêu hương, hậu cung, tả vu - hữu vu, nhà bia, đồng trụ và các công trình phụ trợ... với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Sau hơn một năm triển khai thi công, toàn bộ các hạng mục của công trình đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng nhằm phát huy giá trị truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa (huyện Thường Tín ngày nay), khôi phục lại nơi tôn thờ và ghi danh các bậc hiền tài, các nhà khoa bảng.

Nhân dịp năm mới đầu xuân 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thế thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã về thăm khu di tích và có viết trong sổ lưu niệm tại khu di tích rằng: “Di tích văn hóa không chỉ là nơi lưu danh các khoa bảng, trân trọng kiến thức của các nhà tri thức đóng góp vào sự hưng thịnh của nước nhà mà còn phát triển theo hướng chiều sâu, cắt nghĩa sự thành công của vùng đất văn hiến”.

Đọc bài báo viết về thầy Trần Bá Lạn có tên “Như nhà Nho học sót lại hôm nay”, đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống ngày 18-11-2019 lại càng hiểu thêm công sức nghiên cứu chuyên sâu của một thầy giáo về hưu và cảm nhận được tấm lòng của một người con yêu quê hương và trách nhiệm với văn hiến nước nhà. Thầy đã làm sống lại những con người lịch sử của một vùng đất lịch sử như cụ Trần Trọng Liêu thông qua những trang bản dịch rõ ràng, chính xác và những tư liệu khảo cứu công phu.

Cụ Trần Trọng Liêu sinh thời cách nay 282 năm không chỉ là bậc tướng giỏi, được lưu danh bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà còn hiển hiện bậc tiến sĩ đa tài, tâm hồn lồng lộng, đậm chất nhân văn, tôn thờ tổ tông, công đức các bậc tiền sinh. (Trần Quý Hầu và Trần Văn Võ là bút danh của cụ Trần Trọng Liêu), cụ tự thuật “Mừng Trần Quý Hầu đăng quang Tiến sĩ” đậm chất tùy bút, xen lẫn giọng hịch và bình luận nên sự kiện bật lên từ hơi văn phóng túng, nhưng chặt chịa, khúc triết, tôn tộc, tôn đức tổ tông nội ngoại, gia đình, bạn bè thân hữu... Cũng còn vì sự vinh quang của quân tử (vua) lập ra triều chính, lấy thế thời hành đạo, cho đến ân đức nhà vua biết coi dân là gốc (dân vi bản)... bởi thế khi kết bài thuật, cụ tự vấn về trách nhiệm khi đã được vinh danh: “... Sao lại làm việc không vững chắc, gây ra tai họa được?”...

Đọc bài tự thuật của Tiến sĩ Trần Trọng Liêu do thầy Trần Bá Lạn chuyển ngữ từ Hán sang Việt nhiều người hôm nay còn mãi ngẫm suy. Tác giả Nguyễn Uyển viết: “Thầy Lạn tâm sự làm tôi mãi nhớ: Ba trăm năm trước cụ Liêu đã viết “Dân là gốc”! Cụ thấu hiểu vai trò của nhân dân với xã hội, với non sông đất nước, thể hiện rất rõ quan điểm “Dân là gốc”. Tư tưởng này càng sáng tỏ trong thời đại chúng ta - Thời đại Hồ Chí Minh”.

Điều đọng lại khi đọc cuốn sách này là những giá trị thời gian lưu giữ trong từng con chữ. Đó là những giá trị mà một người thầy truyền lửa nghề báo cho các thế hệ sau. Đó cũng là sự chắt chiu tìm ra những giá trị truyền thống ẩn chứa trong mỗi văn bia, mỗi trang sử sách, thông qua trí tuệ và tình yêu của thầy Trần Bá Lạn mà tỏa sáng, đem đến những giá trị cho hiện tại và tương lai.