Cấp bách phòng ngừa sốt xuất huyết bùng phát
Hà Nội đang trở thành điểm “nóng” về sốt xuất huyết với số ca mắc tăng nhanh, nhiều ổ dịch mới được ghi nhận. Một số ổ dịch diễn biến phức tạp, kéo dài. Kết quả giám sát cho thấy, chỉ số côn trùng sau khi xử lý vẫn cao vượt ngưỡng nguy cơ. Cùng với đó, thời tiết nắng, mưa thất thường hiện nay đang làm dấy lên lo ngại dịch bùng phát diện rộng.
Ngăn ngừa nguy cơ này, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm không để dịch bùng phát mạnh. Chung tay với nỗ lực của thành phố, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh.
Chỉ số nguy cơ bùng dịch ở nhiều nơi vượt ngưỡng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 7-2023, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố bắt đầu gia tăng, với hơn 480 ca/tuần. Chưa dừng lại ở đó, trong hai tuần đầu tháng 8-2023 (tính từ ngày 1 đến 11-8), số ca bệnh tiếp tục tăng gấp 1,5 lần so với tháng 7, vào khoảng từ 640 đến 760 ca/tuần. Đặc biệt, số ổ dịch sốt xuất huyết cũng tăng gấp 2-3 lần, từ 16 đến 20 ổ dịch/tuần trong tháng 7 lên tới 59 ổ dịch/tuần (từ ngày 4 đến 11-8).
Như vậy, tính từ đầu năm 2023 cho đến ngày 11-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.512 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) và 255 ổ dịch. Hiện, còn 114 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã, trong đó có nhiều ổ dịch diễn biến phức tạp, kéo dài.
Đơn cử như ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) được xác định từ ngày 9-5-2023. Thế nhưng, đến nay, sau hơn 3 tháng, số ca mắc mới tại đây vẫn gia tăng. Tính đến ngày 14-8, xã Phùng Xá đã có tới 340 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và trở thành nơi có ổ dịch ghi nhận nhiều ca bệnh nhất trên địa bàn thành phố.
Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất Dương Phú Khang cho biết, đặc thù của địa phương là làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp nên phát sinh nhiều phế liệu, rác thải. Thêm vào đó, có nhiều hộ gia đình xây các bể chứa nước ở trên tầng cao nên việc kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở không được chủ động, thường xuyên.
Không riêng xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất mà qua giám sát của cơ quan y tế cho thấy, hoạt động xử lý ổ dịch tại một số địa phương còn chưa triệt để, chỉ số côn trùng tại các ổ dịch sau xử lý vẫn cao vượt ngưỡng nguy cơ. Cụ thể, theo hướng dẫn giám sát phòng, chống sốt xuất huyết của Bộ Y tế, vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy BI từ 20 trở lên.
Kết quả giám sát công tác xử lý ổ dịch do CDC Hà Nội thực hiện (từ ngày 14-7 đến 11-8) cho thấy, nhiều ổ dịch có chỉ số BI cao gấp 2-3 lần ngưỡng cho phép, như ổ dịch tại cụm 6 (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) có BI=65; ổ dịch ở cụm 8-9-13 Vĩnh Ninh (thuộc xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) BI=44; tại thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (BI=45); thôn Bàn, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (BI=40); thôn Đông, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (BI=50)…
Chỉ số BI cao là nguyên nhân chủ yếu khiến số ca sốt xuất huyết tăng vọt trong những tuần gần đây. Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều như hiện nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Theo nhận định của CDC Hà Nội, dự báo thời gian tới, số mắc mới sốt xuất huyết vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là việc tái diễn dịch tại những khu vực ổ dịch cũ; tại các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Chống dịch bằng nhiều biện pháp thiết thực
Để triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn đề nghị, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đáp ứng kịp thời, đầy đủ hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết, máy phun, bảo đảm sẵn sàng cho công tác xử lý ổ dịch. Các cơ quan chức năng cần thực hiện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định và kịp thời, hạn chế thấp nhất để ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài. Mặt khác, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đã yêu cầu các địa bàn đang có số ca mắc và các ổ dịch gia tăng, đặc biệt là xã Phùng Xá, tập trung cao hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để sớm kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, cơ quan chức năng của huyện sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện vệ sinh môi trường tại các hộ gia đình, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ không thực hiện theo sự chỉ đạo của địa phương.
Trong tuần qua, huyện Hoài Đức đã ghi nhận 10 ổ dịch sốt xuất huyết. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Thuận cho rằng, cần đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều biện pháp thiết thực, trong đó sử dụng hình thức thông tin, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình tại từng thôn, xóm, khu dân cư… nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong vấn đề vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Bên cạnh đó, tập trung phun hóa chất khoanh vùng ổ dịch; tích cực xử lý môi trường, thu gom các phế thải, rác thải sau khi trời mưa và đồng bộ ra quân tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường tại các xã, thị trấn. Mặt khác, tuân thủ, thực hiện quy trình xử lý ổ dịch trong thời gian sớm nhất, bảo đảm quản lý, không để phát sinh ca bệnh, ổ dịch mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Định Công, quận Hoàng Mai Nguyễn Thị Lan, để nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Đảng ủy, UBND phường đã tăng cường thời lượng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút; đồng thời, tăng cường bằng loa kéo đi vào các ngõ, ngách và các ổ dịch. Cùng với đó, phường đẩy mạnh tuyên truyền trên các nhóm Zalo của tổ dân phố và phát tờ rơi tới 100% hộ gia đình (14.000 hộ), tiến hành phun hóa chất diện rộng…
Đặc biệt, phường đã kiện toàn 89 đội xung kích phòng, chống dịch sốt xuất huyết với 196 thành viên, gồm bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố, các chi hội đoàn thể ở khu dân cư, các cộng tác viên dân số… đi tuyên truyền và tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; 42 đội tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Với những cách làm quyết liệt như trên, các địa phương trên địa bàn thành phố đang quyết tâm đẩy lùi dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát.