Văn hóa

Ưu tiên phát triển vùng văn hóa đặc biệt phía Nam Thủ đô

Bảo Hân 14/08/2023 - 20:50

Chiều 14-8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến phương án phát triển 5 huyện phía Nam Thủ đô, gồm: Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. 

hoi-thao.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải chủ trì hội thảo.

Báo cáo của đơn vị tư vấn chỉ rõ, 5 huyện phía Nam thành phố có nhiều điểm tương đồng, như đất nông nghiệp còn khá nhiều; nhiều làng nghề đã được công nhận; nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; tập trung nhiều loại hình giao thông và đều là các tuyến huyết mạch quốc gia (Thường Tín, Phú Xuyên); đường Vành đai 4 đang xây dựng (Thường Tín, Thanh Oai)...

Nhiều đô thị mới được quy hoạch hoặc mở rộng như đô thị vệ tinh Phú Xuyên gồm thị trấn Phú Xuyên, thị trấn Phú Minh, mở rộng thêm 9 xã của Phú Xuyên và 5 xã của Thường Tín. Các thị trấn Vân Đình, Thường Tín, Kim Bài, Đại Nghĩa đều được quy hoạch theo hướng đô thị sinh thái và mở rộng về quy mô. Phía bắc Thanh Oai, dọc đường Cienco 5 đã hình thành nhiều khu đô thị mới. Một số huyện được định hướng phát triển thành quận.

Các địa phương có định hướng lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng năng suất và chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra những vùng hàng hóa tập trung lớn; hình thành các vành đai xanh, sinh thái và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu du lịch thắng cảnh, văn hóa tâm linh Hương Sơn; cụm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề Hà Đông - Quan Sơn - Hương Sơn...

screen-shot-2023-08-14-at-19.39.13.jpg
Vị trí đặc biệt của 5 huyện cửa ngõ phía Nam Thủ đô.

Góp ý vào phương án quy hoạch, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đề nghị chuyển từ quy hoạch hướng tâm và vành đai sang quy hoạch ô bàn cờ, trong đó tuyến đường hai bờ sông Hồng làm trục trung tâm, xây dựng đồng bộ, kéo dài từ các quận trung tâm đến các huyện...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường nêu quan điểm, chỉ nên phát triển nông nghiệp công nghệ cao tập trung vào một số lĩnh vực như sản xuất cây, con giống và một số sản phẩm chủ lực; còn lại phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, tạo cảnh quan không gian xanh, đa giá trị; đặc biệt quan tâm đến nội dung tổ chức không gian lãnh thổ dân cư nông thôn nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa nông thôn quý giá.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khía cạnh văn hóa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải kết luận, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành một Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa. Nghị quyết số 09-NQ/TU đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cùng nêu quan điểm di sản văn hóa chính là nguồn tài nguyên, nguồn lực vô cùng to lớn có thể khai thác để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. Do đó,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đề nghị các huyện cùng đơn vị tư vấn chú trọng làm rõ các luận chứng vì sao phải ưu tiên phát triển cho vùng văn hóa đặc biệt này, qua đó toát lên những ý tưởng mới, những khát vọng lớn hơn để phát huy tốt nhất nguồn lực của Thủ đô trong đồ án quy hoạch.