Quy hoạch

Kiến trúc nông thôn: Để không mai một những giá trị riêng có

Ths.KTS Lã Hồng Sơn 14/08/2023 - 07:00

Để quy hoạch kiến trúc nông thôn của Thủ đô góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, phù hợp với cảnh quan tự nhiên, cấu trúc làng, xã..., Hà Nội cần triển khai sớm các quy hoạch chi tiết và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư tại trung tâm các xã tại 17 huyện.

4.jpg
Việc triển khai sớm các quy hoạch chi tiết và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư sẽ góp phần giải quyết kiến trúc, cảnh quan nông thôn của Thủ đô phát triển theo hướng đa dạng và bền vững.

Đề xuất nêu trên sẽ góp phần giải quyết tổng thể các vấn đề quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đối với cả khu vực đô thị và nông thôn của Thủ đô, phát triển Thủ đô Hà Nội theo hướng đa dạng và bền vững...

Cần đặt mục tiêu hoàn thành đến năm 2030

Về cơ sở pháp lý, Điều 14 Luật Kiến trúc 2019 và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17-7-2020 của Chính phủ đã quy định: “Quy chế quản lý kiến trúc được lập cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 7-2-2023 về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống. Theo đó, Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội thực hiện 11 nhiệm vụ, như: Tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; lập quy hoạch xây dựng xã, đầu tư xây dựng nông thôn gắn với quá trình phát triển đô thị; đến năm 2030, tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã được ban hành quy chế quản lý kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030.

Với các quy định và yêu cầu nhiệm vụ nêu trên, Hà Nội cần đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành đạt 100% điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã có quy chế quản lý kiến trúc, cao hơn mức yêu cầu của Trung ương.

Cùng với đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần thiết bổ sung về định hướng phát triển quy hoạch, kiến trúc nông thôn của Thủ đô; bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; quy hoạch cảnh quan nông thôn; thiết kế kiến trúc cảnh quan… nhằm nâng cao chất lượng đời sống, đồng bộ về hạ tầng, kết nối không gian ở - sản xuất. Đây là những yêu cầu mới trong bối cảnh Luật Kiến trúc và định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam chưa quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.

Lan tỏa từ những hình mẫu thí điểm

Năm 2022, Thủ đô Hà Nội có 8.435.600 người, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 49,1%; khu vực nông thôn chiếm 50,9%. Tại 17 huyện của thành phố Hà Nội có khoảng 2.183 thôn, xóm, điểm dân cư nông thôn (không bao gồm các điểm dân cư tại các thị trấn và thị xã Sơn Tây). Trung bình mỗi xã có 5,8 thôn, xóm (điểm dân cư nông thôn). Trung bình mỗi điểm dân cư nông thôn có khoảng 2.042 người, được chia thành 3 loại từ nhỏ, trung bình đến lớn, phụ thuộc vào số hộ dân.

Nếu quy hoạch, kiến trúc nông thôn của Thủ đô không được quản lý tốt sẽ làm hỏng quy hoạch, kiến trúc và mai một những giá trị tốt đẹp riêng có của nông thôn. Bài học kinh nghiệm là các làng chuyển thành phường như Kim Liên, Trung Tự, Mai Động, Khương Thượng, Khương Đình, Trung Hòa, Làng Cót…, vì chưa có quy hoạch chi tiết và quy chế quản lý kiến trúc nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để quản lý phát triển về cấu trúc làng xóm, bố trí đầy đủ hơn quỹ đất cho hạ tầng, kiểm soát tốt hơn về kiến trúc xây dựng, về các không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống…

Nhiều yếu tố hợp thành ký ức truyền thống có giá trị và cần có giải pháp bảo vệ, ví dụ như cây đa, giếng nước, đình làng, chùa, đền, miếu, nhà thờ, không gian sinh hoạt cộng đồng, sân bóng, chợ làng... đã không được quan tâm đúng mức và kịp thời.

Mặt khác, thực tế lịch sử, xã hội còn cho thấy, cấu trúc các điểm dân cư nông thôn (chủ yếu là không gian vật thể) cùng với truyền thống văn hóa lâu đời của lối sống cộng đồng, đã không bị xóa bỏ trong quá trình đô thị hóa mà chỉ biến đổi theo hướng mật độ cao hơn, dung nạp thụ động nhiều hơn. Cấu trúc này chịu tác động nhất định, song không phụ thuộc nhiều vào các đồ án quy hoạch cấp trên.

Mục tiêu quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng là cấp thiết. Do vậy, việc xây dựng và ban hành quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và quy chế quản lý kiến trúc các điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã, sẽ góp phần chủ động trong tính toán, hoạch định các nhu cầu về không gian vật thể, bảo đảm cho cấu trúc không gian điểm dân cư ổn định, bền vững, hài hòa các lợi ích cộng đồng trước mắt và lâu dài. Quản lý tốt các điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã (377 điểm) tại 17 huyện sẽ là các hình mẫu thí điểm, rút kinh nghiệm và lan tỏa ra các điểm dân cư khác trên địa bàn xã (khoảng 2.183 điểm).