Bước đi đột phá
Tại Hội nghị lần thứ 8 vừa qua, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội đã khẳng định, sau khi làm điểm thành công tại Văn phòng UBND thành phố, tới đây, việc sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế sẽ được triển khai tại 10 sở liên quan nhiều tới người dân và doanh nghiệp.
Đây là bước đi đột phá, đòi hỏi tất yếu nhằm đổi mới hệ thống chính trị theo chủ trương của Đảng, nhưng khó khăn, nhạy cảm, đòi hỏi sự thống nhất cao về nhận thức và hành động.
1. Trong Kết luận số 50-KL/TƯ ngày 28-3-2023 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Bộ Chính trị nhìn nhận, kết quả thực hiện Nghị quyết số 18 đã góp phần khắc phục một số hạn chế về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, hoàn thiện mô hình tổng thể hệ thống chính trị, tạo nền tảng tiếp tục thực hiện hiệu quả.
Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc, quyết tâm thực hiện chưa cao, còn máy móc, chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; chưa gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế theo vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài. Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức vẫn còn trùng lặp, chồng chéo, chưa phù hợp, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động...
Tại Hà Nội, Ban Tổ chức Thành ủy vừa tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại 15 đơn vị (bao gồm 10 sở) trong vòng 3 tháng để có đủ căn cứ khoa học nhận định về con người, bộ máy và đề xuất các giải pháp sắp xếp, tổ chức. Kết quả cho thấy 5 nhóm hạn chế. Trong đó, nhìn chung, tổ chức bộ máy các sở còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối. Số lượng cán bộ, công nhân viên, người lao động đông, chậm tinh giản. Một số đơn vị chưa kịp thời trong tham mưu rà soát, sắp xếp, kiện toàn việc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo thông tư của bộ chuyên ngành và các văn bản khác có liên quan. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy bên trong các sở, ngành; mối quan hệ công tác giữa các sở, ngành, của các phòng chuyên môn, chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc từng cơ quan thiếu rõ ràng, còn chồng chéo, thiếu khả thi.
Thực tiễn này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đã chỉ đạo trong Kết luận số 50. Đó là phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo hướng tinh gọn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức bảo đảm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị... Hoàn thiện danh mục vị trí việc làm cùng với khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của hệ thống chính trị làm cơ sở xác định biên chế của từng cơ quan, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, gắn với đánh giá thực chất, xếp loại chính xác công chức, viên chức.
2. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong từng cơ quan, đơn vị phải xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; là công việc không thể không làm. Chỉ có thực hiện việc này mới có điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Đây còn là cơ sở để thực hiện một bước xa hơn là cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; là giải pháp căn bản phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Thành ủy Hà Nội sẽ tiến hành từng bước chặt chẽ bảo đảm thống nhất cao về nhận thức và hành động trước hết trong Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ. Tinh thần là tạo đột phá về tư duy, nội bộ đi trước, “thông” trước rồi lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, bảo đảm đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, đó là: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.
Trong quá trình đó, hơn ai hết, chính các sở, ngành phải có sự chủ động, quyết tâm, quyết liệt tự nghiên cứu, đề xuất các phương án. Bởi không ai hiểu rõ bản chất, thực tiễn bộ máy, con người, cũng như tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mong muốn gì bằng chính cấp ủy, ban lãnh đạo, nhất là người đứng đầu mỗi đơn vị.
Mỗi cơ quan, đơn vị cần tập trung làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, phải giải thích cặn kẽ các chủ trương của Trung ương, thành phố liên quan... để bảo đảm thống nhất cao cả nhận thức và hành động trong tập thể và tới từng cá nhân. Đồng thời, cần truyền thông rộng rãi để dư luận xã hội thấu hiểu và ủng hộ.
Khi nghiên cứu, đề xuất, một nguyên tắc căn bản phải được tuân thủ là toàn bộ nội dung thuộc các lĩnh vực được giao từ thành phố đến cơ sở phải được quản lý đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt đầu mối, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, đúng quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
Một điều quan trọng không kém là quá trình thực hiện tổ chức, sắp xếp phải thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt chế độ, chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thể hiện tính nhân văn của Thủ đô. Tuyệt đối không sắp xếp cơ học, mà phải lấy hiệu quả là đích cuối cùng.