Nhiều vườn hoa bị xâm chiếm, xuống cấp: Vẫn đang chờ "giải cứu"
Mặc dù thành phố và các quận, huyện đã đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị cho các vườn hoa, nhưng chỉ sau một thời gian sử dụng, nhiều vườn hoa ở Hà Nội đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, bị sử dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán. Đã đến lúc các vườn hoa này cần được “giải cứu” một cách có hệ thống.
Khi vườn hoa “kêu cứu”
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Vườn hoa Đại học Thủy Lợi (quận Đống Đa) vào ngày 11-8, tình trạng người dân chiếm dụng đường bao quanh vườn hoa và vỉa hè để bán trà đá, đồ ăn khá phổ biến. Nhiều hạng mục như ghế đá cũ kỹ, sứt sẹo. Trong khi đó, rác thải cũng không được dọn dẹp thường xuyên. Cũng trên địa bàn quận Đống Đa, Vườn hoa Trần Quang Diệu hoạt động 6 năm trước với hệ thống cây xanh, thảm cỏ, cột đèn chiếu sáng… hiện đại, đến nay nhiều vị trí trên vỉa hè trở thành nơi tập kết rác thải, thiết bị tập thể dục thành “mắc áo” để phơi chăn màn, quần áo của các hộ dân. Cùng với đó, ghế đá bị sứt, gãy; rác thải, cành cây khô không được dọn dẹp.
Vườn hoa xung quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi thảm cỏ bị người dân biến thành nơi để đồ bán hàng, đường dạo, ghế đá thành nơi buôn bán đồ ăn, thức uống.
Ông Nguyễn Thành Nhân, người dân phường Nguyễn Du cho biết, lâu nay, tại vườn hoa này, nhiều đoạn gạch lát đá vỉa hè đường dạo bong tróc, cũ kỹ và đầy rác thải. Rồi nhiều cửa hàng ăn phố Nguyễn Du chiếm dụng vỉa hè vườn hoa để xe máy khiến không gian tại đây tạo cảm giác bức bối. Vườn hoa Pasteur, phố Yecxanh (quận Hai Bà Trưng) cũng bị biến thành nơi bán trà đá, cà phê.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại vườn hoa công cộng ô quy hoạch C12 và C14 ở phường Phúc Đồng (quận Long Biên). Dù nơi đây được lát đá, lắp thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời nhưng do lâu ngày không có người sử dụng, cây cỏ xung quanh mọc lên um tùm, rậm rạp, có nơi còn mọc cao hơn đầu người. Vườn hoa trở thành nơi tập kết rác thải.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang phân tích, do mật độ dân số cao nên các vườn hoa trên địa bàn quận chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của nhân dân. Trong khi đó, kinh phí trong duy tu, duy trì, đặc biệt để nâng cấp vườn hoa còn hạn chế, tình trạng hư hỏng các dụng cụ vui chơi, cây, hoa chết không được bổ sung, thay thế kịp thời. Các hạng mục như đường dạo, chiếu sáng, thoát nước đã được đầu tư xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, hư hỏng chưa thực sự là điểm nhấn cảnh quan, mỹ quan đô thị.
Chờ những vườn hoa được làm mới
Ông Trương Minh Quang cho biết thêm, hiện tượng buôn bán, lấn chiếm khu vực vườn hoa để bán hàng rong, quán cóc, tình trạng xả rác thải sinh hoạt và vật liệu xây dựng vẫn còn tồn tại. Vì vậy, UBND quận Đống Đa đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường ý thức giữ gìn tài sản chung, bảo đảm vệ sinh nơi công cộng. Quận yêu cầu UBND, công an các phường, tập trung chỉ đạo xử lý quyết liệt việc buôn bán, lấn chiếm khu vực vườn hoa, công viên; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp xả rác thải sinh hoạt và đổ trộm vật liệu xây dựng. Thời gian tới, quận sẽ đẩy mạnh giám sát việc này để góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, giữ gìn tốt cảnh quan các địa điểm trên.
Về lâu dài, tháng 7-2023, HĐND quận Đống Đa đã ban hành Nghị quyết, chấp thuận chủ trương đầu tư về việc nâng cấp, cải tạo 4 vườn hoa: Đại học Thủy Lợi; Đại học Công Đoàn; Đào Duy Anh và Vườn hoa 1-6, hoàn thành trong năm 2024. Đặc biệt, Vườn hoa Đại học Thủy Lợi được đầu tư mức độ 1: Nâng cấp, cải tạo tổng thể, quy hoạch lại tổng mặt bằng, cảnh quan theo hướng hiện đại, nhiều tiện ích. UBND quận, phường tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác duy trì, duy tu hằng năm, bảo đảm sửa chữa, thay thế, bổ sung kịp thời các hư hỏng phát sinh. Quận cũng kiếm nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các ban, ngành xem xét, nghiên cứu, bổ sung quy hoạch về điểm đỗ xe ngầm 2 vườn hoa Đại học Công Đoàn, Đại học Thủy Lợi để tăng cường diện tích giao thông tĩnh đỗ xe cho người dân.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Long Biên Nguyễn Thế Tuấn cho biết, vườn hoa ở phường Phúc Đồng đã khởi công cuối tháng 12-2021, nay giao cho UBND phường quản lý, quận sẽ nhắc nhở phường quản lý tốt vườn hoa này. Năm 2023, trung tâm cải tạo, sửa chữa 11 công viên, vườn hoa. Đến nay, 4 dự án đã hoàn thành; trong đó, Vườn hoa Ngọc Lâm và Vườn hoa Gia Quất đã được gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập quận. Trung tâm đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công 4 dự án và sẽ hoàn thành trong tháng 10-2023.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội sẽ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 45/63 công viên, vườn hoa để phục vụ người dân. Trong thời gian chờ cải tạo, sửa chữa, nhiều vườn hoa đang bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán. Do đó, trước mắt, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch bảo vệ vườn hoa, đồng thời tuần tra, xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi và lấn chiếm vườn hoa để bán hàng… trước khi các vườn hoa được cải tạo, sửa chữa.