Điểm nóng

Đảo chính Niger: ECOWAS sẵn sàng can thiệp quân sự 

Thương Nguyệt 13/08/2023 - 10:35

Theo Reuters ngày 13-8, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố có cơ sở hợp pháp để can thiệp vào Niger mà không cần sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC).

Trong tuyên bố trên, Ủy viên ECOWAS về Hòa bình và An ninh Abdel-Fatau Musah nhấn mạnh, khối này trước đây từng nhiều lần có động thái can thiệp và chỉ thông báo cho UNSC sau khi đã tiến hành các biện pháp quân sự.

Ủy viên này cũng cho rằng, Niger “không nhận được sự đồng thuận từ công chúng đối với cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum hồi cuối tháng 7”.

Ngày 26-7, một nhóm sĩ quan thuộc Lực lượng bảo vệ Tổng thống Niger đã phát động một cuộc đảo chính phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum. Sau vụ việc, Hội đồng quốc gia Bảo vệ tổ quốc (CNSP) do tướng Abdurahmane Tchiani đứng đầu đã được thành lập để điều hành đất nước.

niger.png
Các lãnh đạo nhóm đảo chính Niger tại một sự kiện ở thủ đô Niamey. Ảnh: Reuters

Vụ đảo chính tại Niger đã vấp phải sự lên án từ các quốc gia trong khu vực. Trước những dấu hiệu căng thẳng gia tăng, ECOWAS đã kích hoạt một lực lượng quân sự dự phòng sẽ được triển khai như phương án cuối cùng nếu các cuộc đàm phán thất bại.

Ngày 10-8, tại hội nghị thượng đỉnh bất thường ở thủ đô Abuja (Nigeria), Tổng thống Nigeria Bola Tinubu tuyên bố, “không có lựa chọn nào bị loại trừ, kể cả việc sử dụng vũ lực như biện pháp cuối cùng”. Tương tự người đồng cấp Nigeria, Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara cũng khẳng định, ECOWAS phê duyệt khởi động một chiến dịch quân sự ở Niger “càng sớm càng tốt”.

Dù vấp phải phản ứng dữ dội từ ECOWAS nhưng chính quyền quân sự Niger vẫn từ chối mọi nỗ lực ngoại giao. Động thái này đã làm dấy lên nỗi lo ngại về một cuộc xung đột mới ở khu vực Sahel nghèo khó của Tây Phi.

Một cuộc can thiệp quân sự vào Niger, quốc gia đồng minh của phương Tây trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo, sẽ khiến tình hình quốc gia này và khu vực càng thêm bất ổn, đồng thời tác động đến cuộc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc đối với lợi ích chiến lược ở Tây và Trung Phi.