Thế giới

Mưa lũ tác động tới sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc: Đất nước tỷ dân bảo vệ “kho” lương thực

Thùy Dương 13/08/2023 - 06:58

Mưa xối xả do hai cơn bão liên tiếp gây ra đã làm tăng thêm mối lo ngại về an ninh lương thực của Trung Quốc, vốn đang chịu áp lực khi lệnh cấm xuất khẩu từ Ấn Độ đã đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao.

Trong bối cảnh các mối đe dọa từ khí hậu liên tiếp tác động nghiêm trọng lên sản xuất nông nghiệp, Bắc Kinh đã ban hành một loạt chính sách để ứng phó và bảo vệ “kho” lương thực cho đất nước tỷ dân này.

china.jpg
Cánh đồng ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) bị nước lũ nhấn chìm.

Miền Bắc Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với nước lũ do cơn bão Doksuri gây ra hai tuần trước và có thể tiếp tục chứng kiến thêm thiệt hại về mùa màng do cơn bão Khanun gây ra. Vốn là vựa lúa của Trung Quốc, ba tỉnh Đông Bắc là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh sản xuất hơn 1/5 sản lượng ngũ cốc của cả nước này nhờ có vùng đất đen màu mỡ. Tuy nhiên, những trận mưa lớn do bão Khanun và bão Doksuri khiến các con sông tưới tiêu cho vùng đất nông nghiệp ở tỉnh Hắc Long Giang bị tràn bờ, nhấn chìm nhiều cánh đồng lúa, phá hủy nhà kính trồng rau và làm hư hại nhiều nhà máy. Ông Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao thuộc Công ty Tư vấn kinh doanh nông nghiệp Orient Bắc Kinh cho rằng, lũ lụt có thể khiến sản lượng gạo tại khu vực này giảm 3-5%.

Trong khi các cánh đồng lúa ở Đông Bắc Trung Quốc đã bị tàn phá, những trận mưa lớn vào cuối tháng 5 vừa qua đã làm ngập lụt tỉnh Hà Nam - một vùng trồng ngũ cốc lớn khác của Trung Quốc, sản xuất 1/3 sản lượng lúa mì của cả nước. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, những trận mưa lớn xảy ra ngay trước vụ thu hoạch đã khiến sản lượng lúa mì vụ hè của Trung Quốc năm nay giảm 0,9% - mức giảm đầu tiên trong 7 năm qua.

Trước tình hình này, Trung Quốc đang tích cực triển khai các kế hoạch khắc phục hậu quả thiên tai nhằm bảo đảm an ninh lương thực và hỗ trợ các vùng bị ảnh hưởng khôi phục sản xuất nông nghiệp. Ngày 8-8, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã cứu trợ khẩn cấp 732 triệu nhân dân tệ (101,55 triệu USD) cho 9 khu vực cấp tỉnh bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân và các tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang.

Thủ tướng Lý Cường yêu cầu tập trung và tăng cường lập kế hoạch dài hạn cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền Bắc Trung Quốc, nâng cao khả năng ngăn chặn và ứng phó với các thảm họa về nước và hạn hán. Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Cát Lâm đã ban hành thông báo khẩn cấp yêu cầu kiểm tra đất nông nghiệp để bảo đảm thoát nước hiệu quả cho sản xuất ngũ cốc. Cơ quan Nông nghiệp tỉnh Hắc Long Giang đã ban hành kế hoạch cứu trợ thiên tai để bảo đảm sản lượng ngũ cốc năm nay đạt mục tiêu đề ra.

Tình trạng ngập lụt đất nông nghiệp đã làm tăng thêm mối lo ngại về những tác động tiềm ẩn đối với an ninh lương thực ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thực tế trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực, tăng năng suất cây trồng và thực hiện chiến dịch chống lãng phí thực phẩm. Chính phủ đã cố gắng thúc đẩy sản xuất ngũ cốc trong nước bằng cách cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính và chính sách hơn, đồng thời đưa ra các quy định chặt chẽ về bảo vệ, sử dụng đất nông nghiệp. Bắc Kinh cũng tăng cường khả năng phục hồi nguồn cung cấp thực phẩm thông qua đa dạng hóa nhập khẩu, đầu tư ra nước ngoài bằng cách tạo ra các tuyến cung cấp mới và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Cách tiếp cận chủ động cùng với sự phối hợp từ trên xuống và từ trong ra ngoài đã cho phép Trung Quốc duy trì giá ngũ cốc ổn định trong một phạm vi hợp lý. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc cần đạt được sự cân bằng phù hợp giữa thúc đẩy sản xuất ngũ cốc trong nước và an ninh nguồn nước. Chính sách hiện tại gây áp lực buộc các tỉnh khô hạn phía Bắc phải sản xuất nhiều ngũ cốc hơn có thể khiến hệ thống lương thực của Trung Quốc dễ bị tổn thương trước các cú sốc khí hậu.

Thay vào đó, Trung Quốc cần khai thác tiềm năng của các tỉnh phía Nam có nhiều mưa để trồng thêm ngũ cốc. Trung Quốc cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp toàn cầu và chuyển giao công nghệ nông nghiệp. Chỉ có một chiến lược cân bằng tích hợp các thế mạnh khu vực bên trong Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác nông nghiệp toàn cầu, Bắc Kinh mới có thể xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu, bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định và duy trì vai trò chủ chốt trong thương mại lương thực toàn cầu.