Tập trung hoàn thiện cơ chế giám sát chính quyền cấp phường
Mặc dù Hà Nội không tổ chức HĐND cấp phường trong 2 năm qua, nhưng công tác giám sát hoạt động của UBND phường vẫn được bảo đảm, tăng cường hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp của nhân dân hoặc giám sát gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Bên cạnh kết quả này, trong thời gian tới, cấp có thẩm quyền cần tập trung khắc phục những vướng mắc, hoàn thiện cơ chế giám sát để thực sự phát huy hiệu quả, thể hiện được tính đặc thù của mô hình chính quyền đô thị.
Giám sát qua nhiều kênh
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là UBND phường (không tổ chức HĐND phường), cơ chế giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của phường thực hiện tốt thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh. Quyền dân chủ và giám sát vẫn được bảo đảm và tăng cường hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp của nhân dân hoặc giám sát gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Đơn cử, theo Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Phạm Thị Bích Hằng, trong 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch UBND phường thực hiện nghiêm túc công tác đối thoại với nhân dân, gửi kết quả đối thoại đến HÐND, UBND quận. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức UBND phường được phân công theo dõi cũng trực tiếp tham gia các cuộc họp tại tổ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố để tiếp nhận các thông tin được phản ánh lên UBND phường... Các kết luận, quyết định của phường đều được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của phường để người dân được biết.
Tại các quận, thị xã thí điểm không tổ chức HĐND phường, quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được phát huy tốt. HĐND quận, thị xã đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; chủ động theo dõi, giám sát và đôn đốc trả lời, giải quyết số lượng lớn kiến nghị của cử tri, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Mặc dù không tổ chức HĐND phường, nhưng những vấn đề dân sinh bức xúc, kiến nghị phản ánh của cử tri đã được đại biểu HĐND quận, thị xã tiếp nhận và đôn đốc trả lời, giải quyết.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến thông tin, HĐND quận đã tổ chức thực hiện 40 cuộc tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử, tổng hợp 255 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong đó, UBND quận, các đơn vị liên quan đã giải quyết, trả lời 208 kiến nghị (đạt 82%). Đối với công tác tiếp công dân, HĐND quận đã thực hiện 216 buổi tiếp công dân, tiếp nhận 15 đơn kiến nghị phản ánh, đã giải quyết 11 đơn, 4 đơn đã hướng dẫn cử tri thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tiến hành đồng bộ các cơ chế
Bên cạnh những hiệu quả trong công tác giám sát hoạt động của UBND phường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhìn nhận, hiện thành phố chưa có hướng dẫn thống nhất về nội dung, hình thức giám sát của HĐND quận, thị xã đối với hoạt động của UBND phường. Việc tổ chức hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND các phường với nhân dân chất lượng chưa cao, phần lớn mang tính kiến nghị, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp phường cũng như một số cử tri chưa nhận thức rõ những nội dung của đối thoại.
Để hoạt động giám sát thực sự phát huy hiệu quả, thể hiện được tính đặc thù của mô hình chính quyền đô thị, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện văn bản triển khai thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, cần quy định tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố và quận, thị xã để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND, đồng thời quy định rõ các hình thức giám sát của HĐND quận, thị xã đối với UBND phường.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường nhấn mạnh đến việc cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác giám sát, phản biện xã hội. Cấp ủy phường cần có quy định cụ thể về quy chế làm việc giữa cấp ủy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác giám sát, phản biện xã hội; có nghị quyết về công tác lãnh đạo, chỉ đạo UBND phường tiếp thu và thực hiện các kiến nghị giám sát của Mặt trận.
Bên cạnh đó cần bổ sung các quy định về chế tài giám sát khác để bảo đảm cho UBND phường thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính. Trong đó, thành phố chú trọng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm và công bố công khai cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà trong thực thi công vụ; kịp thời xử lý, ngăn chặn tình trạng công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.