Gỡ khó cho ngành hàng công nghiệp chủ lực
Sản xuất các mặt hàng công nghiệp chủ lực sau 7 tháng năm 2023 đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức do biến động thị trường vẫn bủa vây cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó cần tập trung khơi thông những nguồn lực mới.
Dấu hiệu khởi sắc
Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp tháng 7-2023, Bộ Công Thương thông tin, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm (so với mức 46,2 điểm của tháng 6; 45,3 của tháng 5 và 46,7 điểm của tháng 4). Đà giảm sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đã chậm lại. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, một số lĩnh vực công nghiệp chủ lực 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đường kính tăng 32,3%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,9%; xăng, dầu tăng 13,2%; ti vi tăng 11,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,9%...
Dệt may là một trong các ngành công nghiệp có những khởi sắc sau nhiều tháng đi xuống. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm thông tin, 2 tháng qua, sản xuất và xuất khẩu dệt may đã khá lên, với kim ngạch tháng 6 đạt 3 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ; sang tháng 7 kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 4 tỷ USD, mức giảm thấp hơn còn 14,7%.
Tập đoàn Hòa Phát cũng cho hay, tháng 7-2023, Hòa Phát đã sản xuất 633.000 tấn thép thô, tăng 22% so với tháng 6. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 555.000 tấn, tăng 3% so với tháng trước. Trong đó, lượng thép cuộn cán nóng Hòa Phát bán ra cao nhất kể từ đầu năm nhờ nhu cầu trên thị trường xuất khẩu đã tăng trở lại.
Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu nên tính chung 7 tháng năm 2023, IIP toàn ngành ước giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,6%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ô tô giảm 19,6%; điện thoại di động giảm 19,3%; xe máy và xi măng cùng giảm 5,8%... Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm đồ gỗ chỉ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm tới 15,1%; còn tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1%.
Khơi thông nguồn lực tăng trưởng mới
Từ nay tới cuối năm, các ngành công nghiệp trong nước được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức do tác động kép từ những biến động của kinh tế trong và ngoài nước. Đặc biệt là sự sụt giảm tổng cầu của các thị trường trọng điểm bên cạnh các biện pháp phòng vệ thương mại, trong khi có tới 90% sản lượng hàng hóa của các ngành sản xuất trong nước được xuất khẩu.
Hiện nay việc đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu trở thành vấn đề sống còn để doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc đáp ứng tiêu chuẩn xanh là xu hướng tất yếu đối với ngành dệt may, góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu Việt Nam, từ đó phát triển bền vững. Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường nhấn mạnh, giải pháp trọng tâm của tập đoàn là sẵn sàng triển khai đơn hàng ở nhiều thị trường, kể cả nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp dệt may trong hệ thống tổ chức sản xuất linh hoạt, tái cấu trúc nhân lực, áp dụng quản trị số để đáp ứng yêu cầu khách hàng nhanh nhất… Trong trung hạn sẽ tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi sản xuất quốc tế, nghiên cứu mô hình nhà máy may linh hoạt, sản phẩm mang tính cá biệt hóa.
Theo các chuyên gia, giai đoạn này, việc khơi thông các nguồn lực tăng trưởng mới được xem là cần thiết để các ngành công nghiệp vượt qua khó khăn. Như tại Tập đoàn Hòa Phát đang tập trung nghiên cứu nhiều mác thép mới, kỹ thuật khó, chất lượng cao, phục vụ công nghiệp cơ khí, chế tạo. Hiện nay hai khu liên hợp sản xuất thép tại Dung Quất và Hải Dương đã cung ứng nhiều loại sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát còn sản xuất những chủng loại đặc thù khác như thép làm vỏ container, góp phần đa dạng hóa hệ sinh thái sản phẩm thép chất lượng cao của Hòa Phát.
Cùng với đó, doanh nghiệp nên khơi thông những thị trường mới để lưu chuyển hàng hóa, tạo đầu ra cho sản xuất. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho rằng, doanh nghiệp nên khai thác các thị trường trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các thị trường Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do mới. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm kiếm các thị trường "ngách" như Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh. "Các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ tích cực cung cấp thông tin thị trường, cùng giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng cần cung cấp thông tin chi tiết nhóm sản phẩm doanh nghiệp có thể sản xuất và cần xúc tiến thương mại để tìm đầu ra cho hàng hóa, nhất là nhóm ngành hàng chủ lực", ông Vũ Bá Phú nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục kết nối các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng các loại khoáng sản vừa được Chính phủ phê duyệt là cơ sở để Bộ Công Thương ban hành các văn bản triển khai đưa những khoáng sản có giá trị này vào khai thác và sử dụng, từ đó tạo ra động lực mới cho phát triển công nghiệp cũng như giúp Việt Nam tự chủ nguồn nguyên liệu.