Tại khu vực chùa Hương, xã Hương Sơn: Cần xử lý triệt để các vi phạm
Đường dây nóng Báo Hànộimới nhận được thông tin, khu vực quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn và chùa Hương - di tích quốc gia đặc biệt, thuộc xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) có một số công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Dù đã được các cấp thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản, nhưng đến nay vi phạm vẫn tồn tại, không bị xử lý triệt để, khiến người dân rất bất bình...
Theo phản ánh của một số người dân xã Hương Sơn, đối diện khu vực Đền Trình, nằm bên bờ suối Yến là công trình nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng đồ sộ Mai Lâm xây dựng từ năm 2018 và vượt chiều cao cho phép. Không những thế, phía sau tổ hợp công trình là bãi trông giữ xe làm trên đất nông nghiệp. Đáng nói, ngay cạnh tổ hợp khách sạn Mai Lâm là tấm biển của Trạm điều hành Sao Xa (Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương) có mũi tên chỉ dẫn nơi để phương tiện cho khách tham quan, mà bãi trông giữ xe này xây dựng trên đất nông nghiệp.
Không chỉ thế, tại khu vực trước sân chùa Thiên Trù, nhà hàng Mai Lâm và nhiều nhà hàng khác còn tự ý sử dụng đất rừng đặc dụng Hương Sơn vượt diện tích được giao làm dịch vụ, nhưng không bị xử lý...
Thêm nữa, quy định cấm xuồng máy hoạt động trên suối Yến đã được thực hiện nhiều năm nay, nhưng trong sáng 9-8, dù đang là mùa thấp điểm về du lịch chùa Hương, nhưng phóng viên Báo Hànộimới vẫn thấy có nhiều xuồng vô tư rẽ sóng, gây nguy hiểm cho các đò chở khách mà không gặp phải trở ngại nào... Điều này cũng phù hợp với phản ánh của người dân khi cho rằng, phải có sự “làm ngơ” của lực lượng chức năng thì vi phạm mới tồn tại dai dẳng đến thế?
Tiếp nhận thông tin, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Bùi Văn Triều cho biết: Công trình khách sạn, nhà hàng Mai Lâm xây dựng năm 2018 trên diện tích là đất đấu giá. Do công trình xây dựng vượt chiều cao cho phép nên đã bị Sở Xây dựng Hà Nội xử lý vi phạm hành chính và đến nay phần vi phạm vẫn chưa được khắc phục.
Tương tự, bãi trông giữ xe của nhà hàng Mai Lâm xây dựng trên đất nông nghiệp cũng trong khoảng thời gian năm 2018-2019, UBND xã đã lập biên bản, nhưng do chưa xử lý triệt để nên vi phạm vẫn tồn tại. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mời chủ công trình đến làm việc, yêu cầu khắc phục vi phạm để đất được sử dụng đúng mục đích. Đồng thời, UBND xã sẽ cho kiểm tra và di chuyển ngay tấm biển chỉ dẫn phương tiện vào bãi trông giữ xe xây dựng trên đất nông nghiệp” - ông Triều thông tin thêm.
Còn với phần đất nhiều hộ cơi nới phía sau ki ốt - phần diện tích được giao làm dịch vụ ăn uống trước khu vực chùa Thiên Trù, là thực tế đã tồn tại nhiều năm nay. Tại vị trí này, một số hộ sau khi dược giao ki ốt để kinh doanh dịch vụ đã tự ý sử dụng diện tích đất rừng đặc dụng phía sau dựng nhà tạm, lợp mái tôn để làm kho...
Thừa nhận việc xuồng máy vẫn hoạt động trên suối Yến, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Bùi Văn Triều lý giải, trên suối Yến có một số xuồng máy được phép hoạt động khi thực hiện nhiệm vụ. Với hiện tượng có xuồng máy chở khách du lịch, UBND xã sẽ tiếp tục chấn chỉnh...
Như vậy, phản ánh của một số người dân xã Hương Sơn là có cơ sở. Những vi phạm không được xử lý kịp thời, dứt điểm đã gây ra những nghi hoặc về việc chính quyền sở tại “bật đèn xanh” cho vi phạm tồn tại.
Trước mắt, đề nghị UBND xã Hương Sơn và cấp thẩm quyền xử lý dứt điểm vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, cũng như các tồn tại nêu trên. Còn về lâu dài, cần xem xét, quy hoạch rõ các điểm được kinh doanh dịch vụ; công khai sơ đồ các gian ki ốt, mặt bằng cho thuê làm điểm kinh doanh dịch vụ trong khu vực chùa Hương để người dân biết, cùng giám sát. Đây là điều kiện thuận lợi giúp chính quyền sở tại quản lý tốt hơn di tích quốc gia đặc biệt này.