Tín dụng bất động sản tăng ở một số ngân hàng
Theo báo cáo tài chính mới nhất của các ngân hàng, bất chấp thị trường bất động sản trầm lắng, tín dụng bất động sản vẫn tăng so với cuối năm 2022.
Cụ thể, 8 trong số 12 ngân hàng công bố báo cáo có tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ tăng so với cuối năm 2022.
Mặc dù trong báo cáo không có dư nợ cho vay bất động sản cá nhân, song với gần 154.000 tỷ đồng dư nợ cho các doanh nghiệp vay kinh doanh bất động sản, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vẫn dẫn đầu thị trường về số vốn cho vay cũng như tỷ lệ cho vay trên tổng dư nợ (33,68%). Được biết, năm 2022, tỷ lệ cho vay bất động sản của Techcombank trên tổng dư nợ chiếm 71%, cao nhất hệ thống ngân hàng.
Đứng thứ 2 về tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank). Tỷ lệ cho vay bất động sản chiếm 20% tổng dư nợ cho vay với các khách hàng doanh nghiệp.
Đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), ngoài 14,39% tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản với các khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng còn cho vay hơn 88.000 tỷ đồng (chiếm 21,18%) đối với khách hàng cá nhân để mua nhà ở. Nếu tính gộp cả cho vay bất động sản với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, tỷ lệ cho vay bất động sản lên tới hơn 30% tổng dư nợ.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), dư nợ cho vay bất động sản tại báo cáo riêng lẻ là 58.437 tỷ đồng, chiếm gần 15% tổng dư nợ. Tỷ lệ này tại thời điểm cuối năm ngoái là 8,33%.
Còn tại HDBank, dư nợ cho vay lĩnh vực này là 32.755 tỷ đồng, chiếm 12,05% tổng dư nợ.
Nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) không công bố dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trong báo cáo tài chính.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản đa dạng, như nguồn vốn FDI, vốn huy động trên thị trường quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân… Vốn tín dụng là một trong những nguồn vốn có đóng góp lớn đối với thị trường bất động sản.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó có việc 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong 2 quý đầu năm.