Đổi mới hoạt động trải nghiệm cho trẻ: Nuôi dưỡng đam mê sáng tạo cho trẻ
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, học tập thông qua thực tế giúp học sinh hiểu rõ về các lĩnh vực hơn là chỉ nghe giảng, học lý thuyết qua sách vở. Vì thế, các quốc gia tiên tiến ngày càng chú trọng tới việc lồng ghép các buổi học mang tính trải nghiệm vào chương trình giáo dục.
Tại nhiều nước châu Âu và châu Mỹ, để phát huy tối đa sự sáng tạo của học sinh trung học, các hội chợ khoa học thường xuyên được tổ chức từ cấp trường đến cấp quốc gia. Những sự kiện này không chỉ thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh mà còn là tâm điểm chú ý của giới truyền thông và chính khách. Bởi hơn ai hết, họ hiểu tầm quan trọng của các hoạt động thực tiễn để nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học của giới trẻ - thế hệ quyết định sự phát triển bền vững của quốc gia. Không ít phát minh, sáng chế đã ra đời từ những hội chợ như thế này và đây cũng là điểm khởi đầu của không ít nhân tài trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Tiến sĩ tâm lý học Carla Dendasck, thuộc Trường Đại học Catolica de Sao Paulo (Brazil), cho biết: “Ngày nay, đối với học sinh, việc học thực tế quan trọng hơn việc học lý thuyết. Do đó, các phương pháp giáo dục mới nên được xây dựng dựa trên mối quan hệ giữa những gì học được trong lớp và những gì học sinh trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày. Ngay từ nhỏ, học sinh nên bắt đầu học tập thực tế với nhiều hoạt động khác nhau như chơi các trò chơi ngoài trời và trong nhà, tạo mô hình và cấu trúc, quan sát mọi thứ xung quanh... Đó là cách học thông qua thực hành khá hiệu quả. Ở cấp học cao hơn, các em học thực hành trong phòng thí nghiệm, có những chuyến tham quan xa, tham gia vào dự án. Điều này vừa tạo ra hứng thú trong học tập vừa giúp các em tăng cường khả năng hội nhập với môi trường thực tế”.
Ngoài các hội chợ khoa học, nhiều trường còn tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh thông qua chương trình nghiên cứu nhỏ, có sự hướng dẫn của chuyên gia. Như mới đây, để truyền cảm hứng cho học sinh tìm hiểu về lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) và môn khoa học gen, Viện nghiên cứu gen ChristianaCare ở Wilmington (Mỹ) đã ra mắt phòng thí nghiệm mới, nơi cung cấp trải nghiệm thực tế, phong phú cho học sinh trung học phổ thông. Học sinh đến trải nghiệm đều được cung cấp miễn phí vật dụng cần thiết để thực hành. Các em có thể sử dụng phòng thí nghiệm để thử chỉnh sửa gen trên vi khuẩn và tận mắt chứng kiến thành quả của mình. Ngoài ra, các em có thể trao đổi trực tiếp với chuyên gia để tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình.
Chia sẻ về những khám phá mới mẻ tại phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu gen ChristianaCare, Shiloh Lee - học sinh lớp 12 tại Trường Trung học The Charter School of Wilmington - cho biết: “Đây là trải nghiệm vô cùng mới mẻ và thú vị. Thông qua thí nghiệm, chúng tôi đã hiểu công việc chỉnh sửa gen là như thế nào. Những hoạt động thực tế như thế này giúp chúng tôi đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp sau này”.
Tiến sĩ Eric Kmiec, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc khoa học của Viện chỉnh sửa gen ChristianaCare cho biết: “Bằng cách tạo khả năng tiếp cận và không gian cho học sinh khám phá, chúng tôi có thể truyền cảm hứng cho thế hệ học sinh tiếp theo theo đuổi sự nghiệp STEM. Phòng thí nghiệm miễn phí cho phép chúng tôi giúp nuôi dưỡng thế hệ các nhà khoa học về di truyền kế cận, qua đó củng cố vị thế dẫn đầu về công nghệ sinh học của đất nước”.
Còn Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne thuộc Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) nổi tiếng với việc tổ chức các trại hè nhằm phát triển kỹ năng khoa học máy tính cho các em học sinh từ trung học cơ sở tới trung học phổ thông. Đây là một phần cam kết của Argonne nhằm hỗ trợ sự phát triển của các nhà lãnh đạo STEM trong tương lai.
Trại đầu tiên diễn ra vào mỗi mùa hè là CodeGirls. Chương trình kéo dài 5 ngày, là cơ hội để các nữ sinh lớp 6 và lớp 7 lần đầu tiên khám phá mã hóa. Không đơn giản là giới thiệu cho các cô gái những kiến thức cơ bản về mã hóa như ngôn ngữ Python, Argonne còn mời các nhà nghiên cứu nữ đến thăm trại hè và chia sẻ kinh nghiệm viết mã của mình.
Isabella Schultz, 12 tuổi, sau khi tham gia CodeGirls, đã lên kế hoạch áp dụng những gì mà em học được về các nền tảng mã hóa vào các dự án thời tiết trong một câu lạc bộ khí tượng mà em thành lập ở trường. “Ngay khi đủ lớn để đăng ký trại hè tiếp theo, tôi sẽ tham gia. Mỗi trại viết mã có một trọng tâm khác nhau. Tôi thích khám phá sự đa dạng và mới mẻ khi tham gia trại hè của Argonne”.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, trải nghiệm thực tế sẽ giúp học sinh biết vận dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn một cách sáng tạo. Tuy nhiên, để thực sự phát huy hiệu quả của phương pháp đào tạo này, các trường học và giáo viên cần xây dựng phương pháp cũng như cách tiếp cận phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học để các em có ấn tượng tích cực với những trải nghiệm, qua đó hiểu về khả năng và hướng phát triển trong tương lai.