Khởi động việc biên soạn Luật Nhà giáo
Ngày 11-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo biên soạn dự án Luật Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) họp phiên đầu tiên.
Trước đó, ngày 4-8-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn dự án Luật Nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm Trưởng ban.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thời điểm này, các thủ tục hành chính cho việc tổ chức biên soạn Luật Nhà giáo cơ bản đã hoàn tất. Theo đó, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, nhóm chuyên gia… Về chuyên môn, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã hoàn thiện dự thảo đề cương chi tiết của Luật Nhà giáo và đang dự kiến về tiến độ xây dựng Luật Nhà giáo.
Tại phiên họp, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, các thành viên Ban Chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể; cùng trao đổi, bàn thảo về quy trình, cách làm để bảo đảm chất lượng và tiến độ; kế hoạch triển khai xây dựng Luật Nhà giáo.
Ngày 7-7-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6-2023. Theo nội dung Nghị quyết, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Theo yêu cầu của Chính phủ, trong quá trình soạn thảo Luật Nhà giáo, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương; có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo và có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp.
Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.