Nông nghiệp - Nông thôn

Ba Vì xây dựng thương hiệu nông sản

Đào Huyền 11/08/2023 - 07:40

Thời gian qua, huyện Ba Vì đã không ngừng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và xây dựng được một số thương hiệu nông sản trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sản phẩm OCOP của huyện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

day-chuyen-san-xuat-tai-con.jpg
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì).

Huyện Ba Vì có 20 làng nghề với nhiều sản phẩm sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ. Huyện còn có 108 hợp tác xã, 180 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy cầm đang hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao. Đây là một trong những lợi thế để các xã, thị trấn của huyện xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Bài Nguyễn Thị Thiết cho biết, làng nghề truyền thống của xã Yên Bài hiện có khoảng 300 hộ dân, chủ yếu các hộ trồng chè và phát triển thương hiệu chè. Thương hiệu chè Phú Yên đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Nhờ xây dựng được thương hiệu OCOP, chè Phú Yên được đưa vào các kênh phân phối hiện đại, tiêu thụ hàng chục tấn/tháng.

Còn Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Ba Vì Lê Hoàng Vinh thông tin, công ty đang hỗ trợ thu mua sữa cho 200 hộ. Với 6 trạm thu mua, công ty bảo đảm việc bao tiêu sữa kịp thời cho các hộ dân. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất hiện đại theo công nghệ của các nước châu Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Italia, cùng với hệ thống thiết bị phụ trợ tiên tiến của Mỹ, Nhật. Năm 2021, công ty có 11 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Nhờ đó, các sản phẩm sữa của công ty được tiêu thụ khắp cả nước, nhất là tại các điểm du lịch. Sản phẩm được nhiều khách hàng đánh giá cao và tin dùng...

Huyện Ba Vì hiện có 138 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 60 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu là sữa tươi, các sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, rau, khoai lang, miến dong, thịt giò đà điểu… với 38 chủ thể; trong đó có 18 chủ thể là hợp tác xã, 12 chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 8 chủ thể là hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, để đẩy mạnh tiêu thụ, huyện có 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (2 điểm tại xã Tản Lĩnh và 1 điểm tại xã Chu Minh). Đây là nơi giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP của huyện cũng như những chủ thể tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn. Phần lớn sản phẩm do các doanh nghiệp và chủ thể làm tự phát, lúng túng trong định hướng phát triển và bảo vệ thương hiệu. Sản phẩm còn thô sơ, mẫu mã bao bì đóng gói, tem nhãn chưa chuyên nghiệp, dẫn đến việc liên kết chuỗi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn…

Để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, thời gian tới, huyện Ba Vì yêu cầu các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình; tăng cường mở các lớp tập huấn về xác định, phát triển các sản phẩm OCOP. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung khẳng định, để hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, huyện sẽ chú trọng phát triển sản phẩm, hình thành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, huyện hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu, thiết kế tem nhãn mác, hướng dẫn cách thức ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối hiện đại…

Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn huyện Ba Vì không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn là cơ hội để các địa phương xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là hướng đi giúp tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho người dân.