Quản lý sim thuê bao để bảo đảm quyền lợi người dùng
Việc tăng cường quản lý sim, thông tin thuê bao viễn thông di động góp phần bảo đảm quyền lợi của người dùng và sự phát triển lành mạnh, bền vững của ngành Viễn thông Việt Nam. Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã:
Người đứng tên phải là người sử dụng
Người dùng mua sim đứng tên người khác sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, bởi sim số đó không chỉ để nhắn tin hay gọi điện, mà còn được dùng vào nhiều dịch vụ khác liên quan tới tài chính, kinh tế, giao dịch điện tử.
Thời gian qua, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện một số thuê bao sở hữu nhiều sim (trên 10 sim/giấy tờ), trong đó thông tin thuê bao không trùng khớp với người sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt yêu cầu các nhà mạng thông tin tới người sử dụng, đặc biệt là những chủ thuê bao có trên 10 sim, qua hình thức nhắn tin, gọi điện, đề nghị người sử dụng đến điểm giao dịch ký lại hợp đồng nếu thực sự sở hữu trên 3 sim.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra mục tiêu là đến ngày 31-8-2023 cơ bản hoàn thành việc rà soát và bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao là người sử dụng số thuê bao đó. Giải pháp này góp phần giúp thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm.
Bà Trần Lương, phường Thành Công, quận Ba Đình:
Sớm dẹp sim rác để bảo vệ người dùng
Số lượng cuộc gọi rác quảng cáo, mời chào dịch vụ hiện quá nhiều, làm người nghe vừa mất thời gian bấm máy trả lời, vừa gây phiền phức. Chưa kể, cuộc gọi với dụng ý lừa đảo, như thông báo khóa 2 chiều điện thoại hay thông báo nhận quà tặng, thông báo bị phạt nguội... nếu không được cơ quan chức năng cảnh báo rộng rãi thì người dùng dễ mắc phải.
Vì vậy, tôi hoan nghênh cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng siết chặt quản lý sim di động, thông tin thuê bao, nhằm ngăn chặn sim rác, sim không chính chủ, sim kích hoạt sẵn. Đây là giải pháp quan trọng hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo gây phiền toái cho người dân.
Cá nhân tôi dùng 1 sim di động của nhà mạng MobiFone nhiều năm qua và luôn thực hiện các yêu cầu của nhà mạng về khai báo, cập nhật thông tin cá nhân. Các thành viên trong gia đình, hay người thân đều đăng ký thông tin cá nhân rõ ràng và cập nhật thông tin khi có yêu cầu… Đây là cách để người dân cùng nhà mạng dẹp nạn sim rác.
Giám đốc kỹ thuật, Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam (NCS) Vũ Ngọc Sơn:
Có thể phát hiện sim rác qua định vị thuê bao
Hiện nay, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao của các nhà mạng đã bước đầu giúp quản lý chặt hơn tình trạng sim rác tràn lan. Tuy nhiên, sẽ vẫn có những trường hợp 1 người đăng ký nhiều sim, sau đó bán lại cho người khác sử dụng, hoặc phát sinh những hình thức thu mua lại sim từ nhiều người rồi tái phân phối, bán cho những người khác. Như vậy, tình trạng sim rác có giảm nhưng chưa thể chấm dứt hoàn toàn.
Để giải quyết triệt để sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, tôi cho rằng cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía. Trước hết, người sử dụng cần nâng cao ý thức, không tiếp tay cho sim rác, không mua, bán lại sim cho người khác. Cơ quan quản lý nhà nướctiếp tục thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc tuân thủ các quy định về quản lý sim thuê bao.
Đặc biệt, bên cạnh việc tuân thủ quy định về quản lý thuê bao, nhà mạng có thể áp dụng giải pháp phát hiện sim rác thông qua định vị thuê bao.