Văn hóa

Bài 1: Làng trong "cơn lốc" đô thị hóa

Nhóm phóng viên 10/08/2023 20:51

Đường trải bê tông thẳng tắp, nhà cửa san sát, những cục nóng điều hoà gắn đầy mái hiên chạy ù ù... Nét làng quê “thuần xưa” chỉ có thể nhận biết được qua các “chỉ dấu” còn lại như cổng làng, cây đa, giếng nước, mái đình…

cover-1.jpg

Nắng tháng 7 oi nóng, rát mặt người. Đi trên những con đường nông thôn mới tại các huyện ngoại thành Hà Nội, dễ dàng cảm nhận sự phát triển, thay đổi. Đường trải bê tông thẳng tắp, nhà cửa san sát, những cục nóng điều hòa gắn đầy mái hiên chạy ù ù... Nét làng quê “thuần xưa” chỉ có thể nhận biết được qua các “chỉ dấu” còn lại như cổng làng, cây đa, giếng nước, mái đình…

tit1-bai1.jpg

Chúng tôi đến Đông Anh, một trong những vùng đất cổ, nơi còn trầm tích bao dấu ấn lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng đáng tự hào. Tìm về làng múa rối Đào Thục (xã Thụy Lâm), ngôi làng cổ có tuổi đời khoảng 300 năm, nhưng dấu tích về kiến trúc xưa gần như đã biến mất. Chỉ còn chiếc ao phía đầu làng gắn bó với đời sống sản xuất, sinh hoạt văn hóa của người dân như “chứng tích” cho một thời thuần nông.

Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Phi - Trưởng thôn Đào Thục, cũng là nghệ nhân tạo hình rối của làng Đào Thục, xưa kia, làng có 4 cổng làng ở bốn phía Đông - Tây - Nam - Bắc. Các nhà được làm bằng gỗ đúng kiểu nhà Bắc Bộ ba gian, hai chái. Không gian sống đơn giản giúp các gia đình dễ dàng giao lưu, nhà nào có chuyện gì cả xóm đều biết....

Giờ nhà cổ ở Đào Thục có từ 100 năm chỉ còn 3 nhà. Theo thời gian và nhiều nguyên nhân khách quan, cổng làng không còn. Cây đa trước cửa đình cũng mới được trồng vài năm trở lại đây, cách để người dân giữ lại nét làng.

bai1-img1.jpg
Các nghệ nhân phường rối Đào Thục chuẩn bị cho một buổi biểu diễn.

Làng Đại Áng (thôn Đại Áng, huyện Thanh Trì) dù nằm khá sâu so với khu vực đường quốc lộ, cũng không tránh được “cơn lốc” gia tăng mật độ xây dựng, bê tông hóa xóm làng. Dấu tích của ngôi làng cổ hiện nay được nhìn thấy rõ nhất là quần thể khu di tích đình - đền - chùa Đại Áng và hội làng đầu xuân đang được bảo tồn khá tốt. Chiếc giếng cổ của làng trước là nơi sinh hoạt hằng ngày của người dân, giờ vẫn được dân làng giữ như một di sản giúp người dân không quên thời gian khó...

Ông Nguyễn Danh Phong (77 tuổi), thủ từ của đình Đại Áng cho biết, giờ nước sạch về tận từng nhà, chẳng ai phải ra giếng lấy nước, giặt giũ như trước. Chiếc giếng cổ nằm trong quần thể di tích trở thành điểm tham quan. Vài năm trước, khi cải tạo làm lại đáy giếng, dân làng phát hiện mạch nước ngầm không còn chảy vào nữa. Để duy trì giếng, người dân đã cho bơm nước vào, phân công các chi hội trong làng vệ sinh định kỳ.

bai1-img2.jpg
Ký ức đẹp về những kiến trúc cổ trong làng vẫn được người dân kể lại.

Trong câu chuyện về làng cũ, quê xưa, nhiều bậc trung niên và cao niên ở các làng nhắc khá nhiều đến con đường gạch nghiêng - một nét kiến trúc được coi là “đặc sản” của các vùng quê Bắc Bộ.

Trước kia, theo tục lệ các làng, con gái trước khi lấy chồng phải góp gạch cho làng để làm đường. Gạch đỏ, lát nghiêng trở thành hình ảnh quen thuộc của rất nhiều làng quê và cũng là chỉ báo của hạnh phúc. Làng nào có nhiều đường lát gạch nghiêng, chứng tỏ cuộc sống của làng sung túc và giàu có. Đến nay, những con đường lát gạch nghiêng gần như không còn.

Nhắc nhớ lại dấu tích này, ông Nguyễn Tri Trù (75 tuổi, làng Yên Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức) tâm tư: “Vẫn biết, trong đời sống hiện đại, chúng ta phải chấp nhận nhiều nét xưa biến mất, nhưng có nhiều thứ mất đi, chúng tôi vẫn rất tiếc nuối”.

Tại Hoài Đức, dấu ấn kiến trúc về những ngôi làng truyền thống ở nhiều nơi khác cũng đang mất dần. Rất nhiều công trình chỉ còn trong ký ức của những bậc cao niên trong làng, điển hình như tại các làng Lại Yên, Lai Xá, Cát Quế...

Để bảo tồn các công trình kiến trúc tại các làng cổ Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã thực hiện Đề án “Kiến trúc nông thôn từ truyền thống đến hiện đại, gắn kết thời kỳ hội nhập”, trong đó đã khảo sát và vẽ lại kiến trúc của nhiều đình làng, ngôi nhà cổ tại một số làng quê Hà Nội.

tit2-bai1.jpg

Quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới mang đến nhiều đổi khác. Hạ tầng cơ sở tốt hơn xưa rất nhiều. Người dân trong niềm hân hoan hạnh phúc vì đời sống cải thiện vượt bậc so với xưa, cũng đã dần nhận ra nhiều nét đẹp làng quê, đặc biệt là không gian cảnh quan, kiến trúc đã bị thay đổi, biến dạng so với trước, mà không còn có thể cứu vãn.

Không riêng gì các làng cổ Đào Thục, Đại Áng, Yên Sở hầu như mất hết nét cảnh quan, kiến trúc xưa, đa số làng cổ ở Hà Nội trong tình trạng tương tự. Thật khó tìm thấy bản sắc riêng của mỗi vùng quê khi không gian sống đang bị lối kiến trúc thành thị “xâm chiếm” mạnh mẽ.

Trong làng, những ngôi nhà cổ bằng gỗ đã được thay thế bằng nhà ống, nhiều tầng. Từ đầu làng đến cuối làng, nhà bê tông cao tầng, mái lợp tôn chống nóng sơn đủ màu hiện ra sừng sững, ken nhau dày đặc khiến đình, đền, chùa - những kiến trúc bao giờ cũng có chiều cao nhất, ở nơi cao nhất trong làng Việt cổ - giờ lọt thỏm.

bai1-img3.jpg
Kiến trúc cũ - mới đan xen tại làng Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Chỉ dấu rõ nét nhất của mỗi làng quê Việt là chiếc cổng làng cũng đang chịu nhiều tác động và biến đổi. Để thuận tiện cho xe ô tô chạy qua, nhiều nơi đã phá bỏ những chiếc cổng làng nhỏ hẹp, vừa một xe thóc, một quang gánh đi qua, thay bằng những cổng làng bê tông to lớn, sừng sững. Trong sức hút “nhao ra đường lớn”, tại không ít làng, nhà dân “mọc” vượt ra ngoài cổng làng, đẩy chiếc cổng làng rút về phía sau, khiêm nhường…

Và trong quá trình lấy lại “bản sắc” văn hóa nông thôn, phong trào xây lại những cổng làng, cổng xóm cũ từng bị phá bỏ rộ lên, nhưng cũng theo một cách thiếu đồng nhất cả về thiết kế và vật liệu ngay trong cùng một thôn, một làng, tạo nên những mảng đối lập giữa cũ và mới, giữa mới với mới…

bai-1-box1.jpg

Một vấn đề nhức nhối khác cũng đang xảy đến với không ít làng quê là cạn kiệt không gian phát triển. Sự giới hạn của đất và nhu cầu phát triển, sự chật hẹp của mảnh đất mỗi gia đình và sự nhân lên gấp nhiều lần quy mô hộ gia đình đang là thách thức lớn trong việc duy trì không gian sinh thái dưới từng mái nhà, trong mỗi thôn, làng. Công tác quy hoạch, dự báo phát triển không theo kịp nhịp sống hiện đại hoá ùa tràn về nông thôn cũng để lại tiếc nuối.

Theo kiến trúc sư Lã Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, sự mở mang thôn quê về phương diện kiến trúc và xây dựng chủ yếu mang tính tự phát, việc không tuân thủ quy định bảo tồn di tích là nguyên nhân chính làm cho cảnh quan, kiến trúc nông thôn thay đổi. Nhiều huyện vẫn chưa có kế hoạch, định hướng quy hoạch với quy mô tổng thể, lâu dài mang tính liên kết bền vững.

Vì vậy, cần khẩn trương rà soát, bổ sung các tiêu chí về kiến trúc nhà ở nông thôn, công trình công cộng, bảo tồn di tích, văn hóa dân tộc phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Các địa phương cũng cần định hướng, tuyên truyền người dân thực hiện các tiêu chí kiến trúc nhà ở nông thôn, công trình công cộng, góp phần để kiến trúc nông thôn phát triển đúng hướng, vận động hài hoà với thời đại nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống.

Dưới góc độ tạo lập không gian sống cho cư dân nông thôn, Tiến sĩ khoa học Bạch Quốc Khang, Cố vấn Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, cho rằng, không ai khác, cộng đồng người dân nông thôn là chủ thể, là nguồn lực và là người hưởng thụ không gian nông thôn.

Do vậy, khi phác thảo từng nội hàm của không gian sống tốt, phải liên hệ, chuyển hóa nó thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, mà người dân nông thôn được sử dụng cho sinh kế của mình. Hay nói cách khác, cần tìm kiếm, khôi phục, khởi nghiệp sinh kế, phát triển sản phẩm, tạo ra các giá trị mới dựa vào nguồn lực của cảnh quan, sinh thái, văn hóa, sao cho đủ để thu hút được cộng đồng tham gia vào không gian sống tốt. Đó chính là gốc rễ của xây dựng nông thôn mới bền vững.

Lời mở đầu

Bài 2: Vỡ cảnh quan, mờ bản sắc