Kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia
Sáng 10-8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo sơ kết 3 năm thi hành quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Đỗ Trung Hưng cho biết: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, ngày 14-6-2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, trong đó có các quy định về biện pháp quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia. Cùng với các quy định về quảng cáo, khuyến mại liên quan đến rượu, bia, nhiều văn bản pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia cũng đã được ban hành...
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá về tình hình triển khai thực hiện các quy định về quảng cáo, từ đó ghi nhận các kết quả đã đạt được, xác định các tồn tại, hạn chế; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thực hiện tốt hơn các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia nói chung, các quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia nói riêng.
Nhận định về việc thực hiện quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia theo Luật, thuộc phạm vi quản lý của ngành, ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bộ đã tổ chức thực hiện các biện pháp về kiểm soát quảng cáo rượu, bia thuộc lĩnh vực quản lý; tổ chức đưa thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia và biện pháp hạn chế dụng rượu, bia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình... Tuy nhiên, từ thời điểm Luật có hiệu lực, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài nên việc sử dụng rượu, bia có hạn chế. Tính đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa xử phạt hành vi vi phạm hành chính nào về quảng cáo rượu, bia vi phạm quy định của pháp luật.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị điều chỉnh các quy định của Luật Quảng cáo bảo đảm phù hợp quảng cáo được quy định tập trung tại một văn bản; rà soát các quy định về xử phạt, bảo đảm các hành vi bị xử phạt phải có tính tương đồng, mức độ vi phạm và chế tài xử phạt; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền về phòng, chống tác hại rượu, bia dưới nhiều hình thức.
Mang tiếng nói từ cơ sở, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng dẫn chứng: Từ tháng 1-2020 đến 1-2023, các cơ quan báo chí thành phố đã thực hiện tuyên truyền khoảng 1.500 tin, bài, phóng sự về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, trong đó chú trọng tuyên truyền việc thực hiện không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của các trường hợp uống rượu, bia khi tham gia giao thông; các chế tài xử phạt của pháp luật về quảng cáo rượu, bia... Từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở đã chủ trì, triển khai 102 cuộc thanh, kiểm tra trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Trong một số cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, Sở lồng ghép việc kiểm tra chấp hành pháp luật về quảng cáo rượu bia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quảng cáo, không phát hiện đơn vi nào vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo rượu, bia. Thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục phối hợp Sở Y tế, các cơ quan liên quan đổi mới phương thức, nội dụng tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, tập trung cao giám sát, xử lý vi phạm hoạt động quảng cáo trên không gian mạng...
Cùng ý kiến, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang cũng đề xuất một số giải pháp quản lý rượu bia thời gian tới. Cụ thể như: Phân bổ nguồn kinh phí riêng để triển khai các hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại; kiểm soát việc ghi nhãn rượu, bia, các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các mặt hàng đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả hàng kém chất lượng, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong công tác quản lý, cần tăng cường, giám sát tốt từ gốc, kiểm soát tại các nơi sản xuất, lưu thông nguồn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường; tái kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm không an toàn, xử lý nghiêm và đủ sức răn đe đối với các vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm...