Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Sáng 10-8, tại huyện Phúc Thọ, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tổ chức Hội nghị truyền thông trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho đội ngũ cán bộ, người trực tiếp tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và người dân trên địa bàn huyện Phúc Thọ và các quận, huyện lân cận.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của xã hội, các vấn đề liên quan đến xâm hại, bạo lực, mua bán người... diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đó, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới diễn ra ở nhiều nơi như trường học, bệnh viện, đường phố, nơi công cộng..., đặc biệt là xảy ra trong gia đình. Hậu quả của bạo lực rất nghiêm trọng cả về thể chất, tinh thần, kinh tế và xã hội.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Vũ Hồng Thu, hội nghị truyền thông sẽ đem đến những kiến thức, những kỹ năng bổ ích, thiết thực để mọi người có thể nhận biết và ứng phó tốt với bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt, người dân sẽ mạnh dạn thông báo, tố giác tới cơ quan, đơn vị chức năng khi bản thân, người thân, những người xung quanh mình bị bạo lực để được trợ giúp kịp thời, hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã cùng trao đổi, thảo luận về kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; cung cấp thông tin các cơ quan, tổ chức tiếp nhận, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó nhấn mạnh một số biện pháp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm: Học tập, nâng cao kiến thức về giới, bạo lực trên cơ sở giới để không là người gây bạo lực giới, có hiểu biết để ứng phó với bạo lực giới; nắm được các văn bản, quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống bạo lực gia đình…
Các chuyên gia lưu ý: Bất cứ ai là nạn nhân của bạo lực giới hoặc chứng kiến bạo lực giới cũng không nên giữ bí mật, im lặng, hoặc tự giải quyết khi không đủ khả năng; phải đặt việc ứng phó với bạo lực giới là một trong những mục tiêu để rèn luyện bản thân, giữ gìn hạnh phúc gia đình, an ninh trật tự xã hội, hạn chế nguy cơ rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, cần nắm chắc các nguồn lực hỗ trợ khi rơi vào tình huống bạo lực giới. Nạn nhân của bạo lực giới có thể gọi ngay đến số điện thoại đường dây nóng 0243.2233.111 của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội để được trợ giúp, kết nối trợ giúp kịp thời và hiệu quả.