Kỷ niệm 62 năm ngày “Thảm họa da cam ở Việt Nam”: Nghĩa tình và trách nhiệm tri ân
Cách đây 62 năm (ngày 10-8-1961), lần đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc hóa học xuống nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học kéo dài, gây ra những hậu quả khốc liệt.
Sau này, ngày 10-8 hằng năm là ngày kỷ niệm “Thảm họa da cam ở Việt Nam” để nhắc nhớ về những nỗi đau mà nhiều thế hệ đã gánh chịu. Thời gian qua, bằng nghĩa tình và trách nhiệm, cùng với cả nước, chính quyền, nhân dân Thủ đô luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân, trợ giúp gia đình họ ổn định đời sống.
Thiết thực chăm lo
Do bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc hóa học, nạn nhân da cam thường có sức khỏe yếu, thậm chí bị khuyết tật nặng, không thể tự chăm sóc bản thân. Các gia đình có thành viên là nạn nhân da cam vừa phải dành nhiều thời gian chăm sóc cho người thân, vừa tiêu tốn tiền điều trị, dẫn đến kinh tế gia đình gặp khó khăn. Góp phần xoa dịu nỗi đau, ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho người nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cùng người dân trong cộng đồng luôn quan tâm động viên về tinh thần, chia sẻ khó khăn về vật chất phù hợp với từng trường hợp.
Với những gia đình gặp khó khăn về nhà ở, đa số đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn để có nếp nhà khang trang. Gần đây nhất, gia đình nạn nhân Lê Xuân Măng, thôn Phù Yên, xã Viên An (huyện Ứng Hòa) phấn khởi đón nhận ngôi nhà mới được xây dựng bằng nghĩa, bằng tình. “Mong ước lớn nhất của gia đình tôi là có nhà mới để ở đã trở thành hiện thực. Từ đây, cuộc sống của gia đình tôi sẽ bước sang trang mới”, ông Lê Xuân Măng bày tỏ.
Đối với những cá nhân, gia đình cần sinh kế, họ được ưu tiên tiếp cận với các nguồn vốn vay để tạo việc làm, mang lại thu nhập. Sử dụng đồng vốn vay và vốn tự huy động để mở dịch vụ vận tải nhỏ, tiếp đến là buôn bán vật liệu xây dựng, trồng bưởi Diễn... gia đình nạn nhân Nguyễn Hữu Dần, thôn 4, xã Thạch Đà (huyện Mê Linh) có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cùng ở huyện Mê Linh, ông Kiều Duy Thân, thôn Văn Lôi (xã Tam Đồng) là nạn nhân có hành trình vượt qua nỗi đau da cam một cách phi thường. Những năm qua, ông Thân vừa là trụ cột vững chắc của người thân, vừa giúp đỡ về nhiều mặt cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn và con, cháu họ. Khi quê hương mở rộng đường giao thông, ông Thân đã hiến hơn 40m2 đất để làm đường.
Hoạt động chăm sóc sức khỏe, động viên, thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân và gia đình cũng được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội thực hiện thường xuyên. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội Trần Văn Quang cho biết, ngoài các chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định, trung bình mỗi năm, thành phố có khoảng 20.000-25.000 lượt nạn nhân da cam đón nhận sự quan tâm về nhiều mặt. Nhờ đó, cuộc sống của họ dần chuyển biến tích cực.
Tiếp tục tạo điểm tựa vững chắc
Kiên trì thực hiện mục tiêu không để các gia đình có thành viên là nạn nhân da cam phải sống trong cảnh nghèo, năm 2023 và những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiếp tục tạo điểm tựa vững chắc, tạo đà cho các gia đình vươn lên.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, nạn nhân da cam và gia đình họ là đối tượng ưu tiên trong quá trình triển khai, xây dựng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của thành phố giai đoạn 2022-2025. Những người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học có hoàn cảnh đặc biệt được đưa vào chăm sóc lâu dài tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì). Sống trong ngôi nhà chung, hơn 100 nạn nhân được chăm lo chu đáo về mọi mặt, sức khỏe cải thiện từng ngày.
Hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Hà Nội cơ bản phủ kín các xã, phường, thị trấn, thu hút hơn 26.000 người tham gia sinh hoạt. Ở cơ sở, các tổ chức hội chủ động đã đề ra phương thức hoạt động phù hợp. Điển hình là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Ba Đình có mô hình câu lạc bộ “Giữ lửa yêu thương”, gồm hơn 100 nữ hội viên là nạn nhân hoặc là mẹ, là vợ của nạn nhân da cam, cùng tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bản thân, người thân.
Hành trình trợ giúp nạn nhân da cam vươn lên còn có sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội, xã hội - từ thiện. Cụ thể, dịp kỷ niệm “Thảm họa da cam ở Việt Nam” năm 2023, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tiến hành thăm hỏi, trao tặng nhiều suất quà cho gia đình các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn...
62 năm trôi qua, nỗi đau da cam dần được xoa dịu, nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội ghi nhận trên địa bàn có khoảng 50.000 người bị phơi nhiễm, gần 19.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp. Về đời sống, tuy không còn hộ nghèo, nhưng số lượng gia đình nạn nhân thuộc hộ cận nghèo còn nhiều, chiếm khoảng 30% tổng số gia đình nạn nhân. “Hành trình trợ giúp nạn nhân còn dài, rất cần sự tham gia của nhiều người, nhiều phía, bằng tất cả nghĩa tình và trách nhiệm tri ân”, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội Trần Văn Quang kêu gọi.