Xây dựng cộng đồng sản xuất an toàn ở Thanh Oai
Xác định việc an toàn, vệ sinh thực phẩm phải từ gốc, huyện Thanh Oai đang nỗ lực xây dựng xã, thị trấn bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Huyện cũng coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng cộng đồng sản xuất an toàn, văn minh.
Tại mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Oai đang có những cách làm hay cần được khuyến khích, phát huy. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Dương Nguyễn Thị Như Hằng, xã có 7/7 thôn được công nhận làng nghề, trong đó có 2 làng nghề chế biến, kinh doanh thực phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Để từng bước đưa công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm vào nền nếp, địa phương đã thành lập 5 tổ hợp tác sản xuất lúa hàng hóa, chế biến giò chả, 4 mô hình, 5 tổ hội, chi hội, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn. Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn, địa phương thường xuyên tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập, quảng bá, tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm, tạo cơ hội để hội viên giao lưu, học hỏi kỹ năng sản xuất, kinh doanh, quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Còn tại xã Cự Khê, ông Nguyễn Bá Hưng, cán bộ xã cho hay, trên địa bàn xã có hơn 500 hộ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm; trong đó chủ yếu là các hộ làm miến, tương và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động gắn với thanh, kiểm tra, nhận thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm của chính quyền và người dân địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nông dân sản xuất nông nghiệp đã áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tự nhiên, sử dụng các chế phẩm sinh học và áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn; 100% hộ làm nghề và kinh doanh dịch vụ ăn uống đều được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Để duy trì những kết quả đạt được, địa phương nâng cao vai trò giám sát của các hội, đoàn thể; đồng thời, có chính sách hỗ trợ sản xuất an toàn đi đôi với giám sát, giúp các hội viên thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, để thúc đẩy thị trường nông sản an toàn, khích lệ người dân sản xuất tốt, huyện Thanh Oai chú trọng tới công tác tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nghề... Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách về thương mại nông thôn để các chủ thể sản xuất kinh doanh, nhất là nông dân hiểu rõ và thực hiện đúng chính sách, pháp luật về thương mại.
Là huyện định hướng lên quận trong thời gian tới, song sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm quy mô hộ gia đình, cá thể, tổ hợp tác vẫn là kế sinh nhai lâu dài của nhiều hộ dân tại Thanh Oai. Trên địa bàn vẫn còn nhiều chợ cóc, chợ tạm, hàng rong, việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nông sản, thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, song đây là thói quen của nhiều người, văn minh thương mại cần có thời gian để thay đổi.
Do đó, để giữ kế sinh nhai lâu dài, thương hiệu cho các làng nghề của địa phương, như giò chả Ước Lễ, Hoàng Trung, bún, bánh Cự Khê, Bích Hòa... và vì chính sức khỏe của cộng đồng dân cư, thời gian tới, huyện Thanh Oai tiếp tục dành hơn nữa nguồn lực đầu tư cho các mô hình nông sản an toàn; đồng thời chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm ngay từ cơ sở; chú trọng đến khâu giám sát của cộng đồng. Từ đó, để mỗi thôn xóm, khu dân cư, xã, thị trấn là một địa bàn an toàn, vệ sinh thực phẩm.