Giữ không gian văn hóa nông thôn trong dòng chảy hiện đại Bài cuối: Chuẩn bị kỹ với chiến lược phù hợp về văn hóa
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60-62% và đến năm 2030 đạt khoảng 65-75%. Hòa mình vào sự phát triển đó, nhiều vùng nông thôn sẽ chuyển thành thành phố. Văn hóa cũng có sự xê dịch từ nông thôn lên đô thị.
Làm thế nào để nét văn hóa đẹp được bảo tồn, lưu giữ, tạo động lực cho sự phát triển; hạn chế, xóa bỏ những gì còn lạc hậu, chưa phù hợp... Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với các chuyên gia về việc bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa nông thôn trong dòng chảy hiện đại.
Quá trình đô thị hóa là tất yếu. Hòa với dòng chảy hiện đại, văn hóa nông thôn sẽ như thế nào?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội): Chuyển tiếp từ nông thôn lên đô thị, đây là vấn đề rất lớn, có tác động đến sự phát triển bền vững của những huyện sẽ phát triển thành quận của một đô thị trong tương lai. Vì vậy, phải chuẩn bị rất kỹ và có chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với không gian đô thị mới. Ta đã có quá nhiều bài học về phát triển “nóng” rồi, song là ở từng lĩnh vực cụ thể. Bây giờ là lĩnh vực mang tính chất bao trùm, quan trọng bậc nhất, đó là không gian sinh tồn của con người thay đổi, điều kiện sống thay đổi, thói quen thay đổi… Người dân nơi các huyện sẽ lên quận không bị “bứng” ra khỏi nơi sinh sống của mình, nhưng lại phải đối mặt với thử thách mới, không thể sống như cũ mà phải vừa tự đổi mới, vừa phải thích nghi, vừa phải chấp nhận hoàn cảnh khác. Công việc thay đổi, lối sống thay đổi, môi trường thay đổi… Điều này, theo quy luật hình thành đô thị, cư dân đô thị, văn hóa đô thị… trước đây diễn ra từ từ, tuần tự, tự nguyện. Bây giờ, sau một đêm thức dậy, huyện thành quận, xã thành phường, làng thành khu dân cư đô thị, nghề nghiệp cũng thay đổi… Mà phải thay đổi theo hoàn cảnh, môi trường, đám đông. Không thay đổi là bị gạt ra khỏi vòng quay chung vì nhịp độ đời sống đô thị khác trước. Đó là thử thách và cũng là cơ hội cho phát triển của các vùng nông thôn Hà Nội.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Đô thị hóa diễn ra, về mặt văn hóa, không gian và môi trường cộng đồng sẽ bị giảm thiểu, nhường chỗ cho không gian riêng tư, biệt lập, dẫn đến sự phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống. Với những người nghiên cứu, thực hành và quản lý văn hóa truyền thống, những lo ngại về việc đứt đoạn, phai nhạt bản sắc văn hóa là lo ngại chính đáng, vì họ hiểu rằng, thời hiện đại, dù dài đến cả thế kỷ cũng chỉ là một lát cắt trong dòng chảy bất tận của văn hóa ngàn đời. Họ ý thức rằng, hôm nay của chúng ta là kết quả của quá khứ, là lá, hoa, quả, hạt của rừng cây cổ thụ văn hóa truyền thống, khó mà khác đi được. Độc lập văn hóa là độc lập dân tộc. Văn hóa làng xã trong lịch sử giàu tính bảo lưu, bảo thủ, nhưng cũng tạo nên sự bền vững về bản sắc cộng đồng.
Ông Trần Minh Nhương, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Đan Phượng là cửa ngõ phía Tây của Hoàng thành Thăng Long xưa, là mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời. Đến nay, trên địa bàn huyện vẫn đang bảo lưu được nhiều di tích lịch sử cũng như những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Chẳng hạn ở làng tôi (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng), dù đô thị hóa, nhưng vẫn giữ được 3 yếu tố cây đa, giếng nước, sân đình; các lễ hội truyền thống vẫn diễn ra đúng như phong tục xưa. Việc chuyển từ làng lên phố, người dân rất phấn khởi và đang bắt nhịp nhanh với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống kinh tế, văn hóa đang đà phát triển. Tôi tin rằng, tiến trình đô thị hóa sẽ tạo ra nhiều cơ hội để người dân tiếp cận với nếp sống văn hóa mới, xây dựng đời sống văn minh, hiện đại hơn.
Văn hóa nông thôn đa dạng, phong phú chứa đựng nhiều nét đẹp. Vậy, Hà Nội cần làm gì để bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn trước lộ trình huyện lên quận, xã lên phường?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội): Tôi cho rằng, có nhiều vấn đề cần phải chuẩn bị, ở cả người dân và cả chính quyền. Chính quyền đề ra chính sách và người dân tham gia vào quá trình thực hiện chính sách ấy. Cái tâm thế thay đổi, thay đổi để hiện đại hóa chính mình, để hòa nhập vào xã hội, để không bị bỏ lại là câu chuyện khách quan, bắt buộc, lại đòi hỏi đồng bộ. Từ tâm thế này, chúng ta cần xác định mục tiêu và bước đi cho phát triển văn hóa một cách khoa học, thích hợp. Làm tốt thì sẽ kích thích phát triển, hạn chế đổ vỡ, thua thiệt. Một khu vực đô thị mới từ đầu, đồng bộ, vừa là thử thách, vừa là thuận lợi, vì sẽ tránh được những manh mún, vụn vặt. Nhưng nếu không chú ý đến yếu tố hiện đại hóa, mà chỉ lo giữ cái cũ của làng xã… xưa, sẽ lại không phù hợp. Bài toán phát triển thực chất là bài toán kép và phải giải cả hai nội dung chính ấy mới đạt được mục đích.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Trước những thách thức của đô thị hóa mạnh mẽ, các kế sách về văn hóa cần cụ thể và thiết thực để bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa làng, xã đã tích tụ trong quá khứ. Theo tôi, trước mắt, cần có một quan niệm thấu suốt về các giá trị văn hóa làng, xã truyền thống là một dạng tài nguyên tinh thần, là của “hồi môn” mà ông cha ta đã truyền lại cho hôm nay. Tài nguyên tinh thần, nếu không khai thác sẽ dần mất đi; nếu khai thác tốt thì sẽ ngày càng phong phú, phồn vinh, phát huy giá trị.
Cần có những bước rất cụ thể để thấu hiểu - bảo tồn - phát huy - quảng bá các giá trị truyền thống văn hóa cổ truyền làng, xã. Thấu hiểu là bước đầu tiên, thấu hiểu để xác định giá trị của truyền thống, của di sản tinh thần. Bảo tồn là gìn giữ chủ yếu các giá trị đó, là gìn giữ cái vốn “hồi môn”, không để nó mất đi. Phát triển và phát huy mở ra một chân trời rộng lớn cho ứng dụng truyền thống trong văn hóa mới. Chúng ta có cả một thiết chế văn hóa từ trung ương đến địa phương, chúng ta có một lực lượng sáng tạo văn hóa đông đảo, chất lượng cao. Vấn đề còn lại là một chính sách đầu tư văn hóa hiệu quả để phát huy và phát triển. Cuối cùng, quảng bá bản sắc văn hóa từ các địa bàn làng, xã là đem bản sắc văn hóa phục vụ hưởng thụ văn hóa của toàn thể cộng đồng quốc gia và nhân loại, tạo động lực nội sinh cho sự phát triển kinh tế, phát triển nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt trong thời đại công nghệ kỹ thuật số. Hà Nội, từ các vùng ven đô thành ngày xưa là không gian chứa đựng mật độ di tích văn hóa dày đặc nhất cả nước. Du lịch văn hóa đã có những hoạch định các tuyến, vùng, sản phẩm khá cụ thể và cần được phát huy…
Ông Trần Minh Nhương, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Dưới góc độ địa phương, về mặt các công trình văn hóa vật thể, tôi cho rằng, chúng ta cần bảo tồn, phát huy, gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa đã có sẵn. Làm được điều này, cần phải làm tốt công tác quy hoạch để bố trí quỹ đất cho không gian văn hóa truyền thống, bởi đô thị hóa, chắc chắn đất đai sẽ chật hẹp hơn. Bên cạnh đó, việc lên quận sẽ tác động đến việc phân bổ dân cư, văn hóa, lối sống, nhất là đối với các làng, xã cổ truyền, có bề dày truyền thống. Các địa phương cần có đề án cụ thể về khai thác, phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa; quan tâm xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và nông thôn mới thực chất hơn, đặc biệt về vấn đề môi trường. Gia đình là tế bào của xã hội. Nhiều gia đình hợp lại sẽ thành một làng và nhiều làng hợp lại sẽ thành một nước. Thành phố cần quan tâm, chú ý xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng những gia đình hạt nhân. Tôi nghĩ rằng, cần phải quan tâm, chăm lo cái nhỏ thì sẽ được cái lớn.