Nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ trước năm 2030
Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra mục tiêu nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ trước năm 2030 nhằm tăng kết nối, thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ có chiều dài khoảng 174km, đi qua 6 tỉnh, thành phố (gồm Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ), nhằm kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ.
Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư; bố trí vốn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hiện đang phối hợp với các địa phương rà soát vị trí nhà ga, hướng tuyến.
Dự kiến, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025.
Theo đề xuất sơ bộ của tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ). Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, chỉnh bị... được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm điện khí hóa.
Công nghệ đường sắt được lựa chọn cho tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến.
Kết cấu tuyến chủ yếu trên nền đắp và cầu cạn. Tốc độ thiết kế lớn nhất là 190km/h. Trong đó, tàu khách khai thác tốc độ nhỏ hơn 190km/h, tàu hàng khai thác tốc độ nhỏ hơn 120km/h.