“Súng ma”: Bài toán khó giải của nước Mỹ
Văn hóa súng đạn là một phần gắn liền với lịch sử nước Mỹ, quốc gia duy nhất trên thế giới có số lượng súng nhiều hơn tổng dân số. Nét đặc trưng này cũng kéo theo nhiều tranh cãi và thách thức đối với những nỗ lực quản lý, trong đó “súng ma” vẫn là bài toán chưa có lời giải.
“Súng ma” là gì?
“Súng ma” không có số sê ri, không thể truy xuất nguồn gốc, được lắp ráp từ các bộ phận mua trực tuyến hoặc hoàn thiện bằng công nghệ in 3D tiên tiến. Loại súng này đang ngày càng trở thành vũ khí sát thương dễ tiếp cận đối với những người bị cấm mua hoặc sở hữu súng hợp pháp trên khắp nước Mỹ.
Giới tội phạm ngầm từ lâu đã dựa vào các loại súng có số sê ri được khai báo bị đánh cắp, nhưng "súng ma" đại diện cho phiên bản nâng cấp của thời đại kỹ thuật số và chúng đặc biệt phổ biến ở các bang áp dụng luật kiểm soát nghiêm ngặt.
Theo Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ (ATF), “súng ma” đang góp phần làm gia tăng bạo lực súng đạn tại Mỹ. Loại vũ khí này có thể có giá dưới 200 USD, dù nhà chức trách nhận định mức giá trung bình vào khoảng 500 USD.
Sĩ quan ATF Earl Griffith cho biết, một thiết bị chuyển đổi nhỏ có thể biến một khẩu súng ngắn bán tự động hợp pháp thành một khẩu súng máy bất hợp pháp. Các bộ phận chuyển đổi có thể được hoàn thiện trong khoảng 45 phút, trong khi những video hướng dẫn trên mạng cho thấy quá trình lắp ráp từ các chi tiết khác nhau chỉ mất khoảng 30 phút.
Sự bùng nổ của “súng ma”
Mặc dù chỉ là một phần nhỏ trong số các loại súng liên quan đến tội phạm sử dụng súng nhưng các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn nước Mỹ đang coi “súng ma” là vấn đề ngày càng nhức nhối.
Năm 2021, lực lượng cảnh sát đã thu giữ hơn 300 khẩu “súng ma” ở Baltimore, 455 khẩu ở Chicago và 225 khẩu ở New York. Thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ, hơn 19.000 khẩu súng loại này đã bị thu giữ trong các cuộc điều tra tội phạm cùng năm, tăng gấp 10 lần so với 5 năm trước đó.
ATF chỉ có thể lần ra nguồn gốc của ít hơn 1% trong số khoảng 45.000 khẩu “súng ma” được thu hồi trong các cuộc điều tra giai đoạn tháng 1-2016 đến tháng 12-2021. Điển hình như vụ xả súng ở trường trung học Saugus (California) khiến 4 người chết hồi tháng 11-2019.
Nỗ lực kiểm soát
Tháng 4-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quy định mới để hạn chế “súng ma”, trong đó, cấm các doanh nghiệp sản xuất súng không đánh số sê ri, không cho phép đại lý bán “súng ma” mà bỏ qua kiểm tra lý lịch của người mua. Họ cũng được yêu cầu lưu giữ hồ sơ về những giao dịch mua trong thời gian kinh doanh. Theo quy định trước đó, giấy tờ liên quan các giao dịch này có thể được hủy bỏ sau 20 năm.
Động thái ngăn “súng ma” của Tổng thống Joe Biden, vốn được đưa gần 1 năm sau tuyên bố sẽ siết chặt kiểm soát súng đạn, đã vấp phải trở ngại sau khi thẩm phán liên bang U.S. Judge Reed O’Connor ở Texas phát lệnh ngăn chặn trên toàn quốc. Vào thời điểm đó, chính quyền Mỹ cảnh báo việc thông qua phán quyết này sẽ tạo điều kiện cho “một dòng chảy không thể đảo ngược của số lượng lớn súng ma không thể truy tìm”.
Tuy nhiên, nỗ lực kiểm soát loại súng không thể truy nguồn gốc của Tổng Thống Joe Biden đã được “hồi sinh” sau động thái mới nhất từ Toà án Tối cao Mỹ vào ngày 8-8-2023. Với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, cơ quan tư pháp cao nhất xứ Cờ hoa đã quyết định khôi phục các quy định kiểm soát “súng ma” của ông chủ Nhà Trắng.
Dù vậy, phán quyết kể trên chỉ mang tính tạm thời trong bối cảnh Chính phủ Mỹ kháng cáo quyết định của tòa liên bang Texas. Những người ủng hộ quyền sử dụng súng và các doanh nghiệp đã thách thức các quy định kiểm soát mới, cho rằng việc hạn chế “súng ma” sẽ vi phạm quyền về vũ khí theo Tu chính án thứ hai.
Nhưng Elizabeth Prelogar, luật sư hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden tại Tòa án Tối cao Mỹ, lập luận rằng, việc khôi phục tạm thời các quy định sẽ không gây bất lợi đối với nhóm này và sự thay đổi là cần thiết để đối phó với “cuộc khủng hoảng khẩn cấp về an toàn công cộng, cũng như thực thi pháp luật do sự gia tăng theo cấp số nhân của các loại súng không thể kiểm soát”.