Văn hóa

Giữ không gian văn hóa nông thôn trong dòng chảy hiện đại Bài 3: Chắt lọc tinh hoa, tạo lập hành trang văn hóa

Nhóm phóng viên 09/08/2023 06:33

Xã lên phường, huyện lên quận nằm trong tiến trình tất yếu của đô thị hóa. Để văn hóa truyền thống trở thành nguồn lực nội sinh trong đời sống hiện đại, tạo thành bản sắc trong dòng chảy văn hóa, còn nhiều việc phải làm. Điều quan trọng là phải chắt lọc những giá trị truyền thống, tinh hoa làng xã, bồi đắp giá trị của thời đại, qua đó tạo hành trang văn hóa mới cho mỗi người dân khi bước vào một giai đoạn phát triển mới.

co-bi.jpg
Người dân làng Cam, xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) đã hồi sinh giếng nước cổ trước đình làng.

Đồng thuận giữ nếp làng, “hồn” quê…

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, để phát triển nông thôn Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa, xã lên phường, huyện lên quận, cần đặc biệt chú ý đến các di tích lịch sử, văn hóa và những kiến trúc mang bản sắc riêng.

Thực tế cho thấy, chỉ nơi nào chính quyền và người dân đồng thuận, cùng chăm lo lưu giữ những giá trị văn hóa, thì nơi đó mới giữ được không gian cũng như các tục lệ làng quê. Câu chuyện này được minh chứng rõ nét tại nhiều nơi “làng lên phố” hàng chục năm nay, nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của làng. Tổ dân phố 14, phường Phú Lương, quận Hà Đông (trước kia là một làng của huyện Thanh Oai) là ví dụ. Mỗi khi đến nơi đây, khách xa đều được nghe những câu chuyện về cách người dân duy trì phong tục tập quán.

Cụ Đặng Công Duyến ở phường Phú Lương chia sẻ: "Tổ dân phố 14 trước đây là thôn Thượng Mạo. Dù “lên” phố, song một số tục lệ “làng” vẫn lưu giữ được, như tục tiến cử các cụ cao niên ra hầu Thành". Theo đó, mỗi năm, “làng” tiến cử 3-4 cụ cao tuổi ra trông đình, trông quán. Trong một năm hầu Thành, các cụ ngủ tại đình, miếu, thờ tự đủ những ngày cúng chính và cuối năm báo cáo việc với “làng”. Không những vậy, để vun đắp tình làng, nghĩa xóm, người dân nơi đây vẫn duy trì “nhóm đồng niên”, câu lạc bộ cán bộ, công chức… và hễ “làng” có việc, nhà có việc, mọi người lại cùng nhau hỗ trợ.

Hay như ở giữa Thủ đô, nhiều nơi vẫn giữ được bóng dáng làng qua chiếc cổng làng, vừa cổ kính, rêu phong, vừa hiện đại. Nằm ở khu trung tâm Thủ đô, sát với các khu đô thị hiện đại quanh hồ Tây, lối vào làng Yên Phụ vẫn bình dị với chiếc cổng làng xưa. Hay tại khu dân cư thuộc phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) vẫn giữ gìn cổng làng Đại Từ cũ - chiếc cổng làng mang đậm phong cách kiến trúc cổng làng của Đồng bằng Bắc Bộ. Còn cổng làng bún Phú Đô nằm trên đường Lê Quang Đạo, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) dù không được xây dựng với kiến trúc cổ trước đây song vẫn như một dấu hiệu để người dân nhắc đến làng nghề có hàng trăm năm lịch sử của Hà Nội. Giữa phố, phường tấp nập, chiếc cổng làng hiện hữu như “gọi hồn quê" trở về.

Và câu chuyện giữ nét văn hóa làng vẫn đang được người dân ở khắp nơi làng chuẩn bị lên phố đồng thuận gìn giữ. Tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), trước đình làng thôn Cam có một giếng nước cổ, tương truyền được xây dựng từ lúc dân làng dựng đình cách đây hàng trăm năm. Ông Lê Văn Gần, thành viên Ban Quản lý di tích đình, chùa làng Cam cho biết, giếng sâu khoảng 8m, được xếp 9 lượt cối đá (chiều dài khoảng 3,5m), dưới đáy giếng là phiến gỗ lim. Có lẽ bởi vậy mà nước giếng trong và mát. Những năm 1960 khi vào hợp tác, dân làng đã lấp giếng để cùng với sân đình làm sân kho. Gần đây, làng đã quyết định hồi sinh giếng cổ - mạch nguồn nuôi sống bao thế hệ làng Cam.

Không chỉ khuyến khích các địa phương sưu tầm, xuất bản các cuốn lịch sử văn hóa làng, huyện Đan Phượng còn chú trọng xây dựng văn hóa gia đình qua việc tổ chức tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn, qua đó xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp sức cùng cộng đồng phát triển quê hương.

Tạo lập hành trang văn hóa

Phát triển nền văn hóa giàu bản sắc, hội nhập và phát triển được Hà Nội cụ thể hóa trong nhiều chương trình, nghị quyết. Điển hình là Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 17-3-2021, đã tạo ra nguồn lực lớn.

Chương trình số 06-CTr/TU đã ghi nhận những kết quả tích cực sau nửa chặng đường triển khai. Nổi bật nhất là các nhóm chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản… Ngoài ra, ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, Hà Nội đã thể hiện quyết tâm cao, đi đầu trong việc phát triển văn hóa, xã hội. Đáng chú ý là việc kiểm kê, lập hồ sơ di sản và xây dựng một lộ trình để chuyển hóa từ nhận thức đến hành động, tạo một hàng trang văn hóa cho mỗi người dân.

Để giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa truyền thống, cùng với việc tập trung tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn bị xuống cấp, với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, huyện Gia Lâm đã thực hiện kiểm kê và số hóa các hiện vật, văn tự trong di tích, các tư liệu Hán - Nôm, lễ hội... đưa vào kho dữ liệu để lưu trữ.

Cùng với đó là ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc phát huy giá trị văn hóa, như sử dụng mã QR tại điểm du lịch, xây dựng app (ứng dụng) du lịch Gia Lâm, trong đó có giới thiệu các di tích trọng điểm trên địa bàn bằng tiếng Việt, tiếng Anh và có thuyết minh tự động, trải nghiệm thực tế ảo... Huyện Gia Lâm cũng tập trung tuyên truyền để người dân quen dần với nếp sống đô thị, nhưng vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn tiêu chí văn minh đô thị vào xây dựng gia đình văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử.

Về quan điểm nông thôn hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho rằng, cùng với thiết chế, hệ thống di tích, cần đặc biệt quan tâm tới hành trang văn hóa cho người đô thị. Trong đó, văn hóa phải được nhìn rộng từ giáo dục, đời sống tinh thần, vật chất đến tư duy, nhận thức. Những nếp sống đô thị như tôn trọng luật giao thông, trách nhiệm cộng đồng… cần được định hình rõ trong hành trang của mỗi người dân.

“Đông Anh sẽ tập trung triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025”; chú trọng giảng dạy Bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn, song song với việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương…", ông Nguyễn Xuân Linh cho biết.

Cũng về câu chuyện xã “lên” phường, huyện “lên” quận, Bí thư Đảng ủy xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Chử Minh Quân cho biết thêm, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đầu tư thêm nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội Triều Khúc, nhất là điệu múa Bồng truyền thống.

Người dân là chủ thể của văn hóa. Thực tế cho thấy, khi người dân đồng thuận, tham gia bảo tồn, gìn giữ, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ được phát huy. Trong giai đoạn phát triển mới, việc kiểm đếm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, qua đó chắt lọc tinh hoa, bồi đắp các giá trị để phát huy trong đời sống hiện tại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

(Còn nữa)

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.