Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội: Mở hướng phát triển mới
Hiện ngành Nông nghiệp Hà Nội đã, đang phối hợp với các địa phương đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Hiệu quả đạt được từ việc này đã mở ra hướng phát triển mới, khắc phục tình trạng thiếu lao động, thay đổi nhận thức của người nông dân, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Gia tăng hiệu quả sản xuất
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh, cho hiệu quả kinh tế cao. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền, hợp tác xã đang quản lý và tổ chức sản xuất lúa hữu cơ, bưởi hữu cơ và rau an toàn trên diện tích 70ha đất nông nghiệp.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, giám sát vùng sản xuất được triển khai trên quy mô 20ha; trong đó, camera được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ, thông qua nhật ký điện tử Egap…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan thông tin, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT và Công ty cổ phần NICOTEX Hà Nội, vụ xuân 2023, nông dân trên địa bàn đã được giới thiệu và trải nghiệm thiết bị bay không người lái 3 trong 1 (gieo giống, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật). Việc phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái đã giúp giảm lượng thuốc khoảng 20-30% so với phun bằng tay và giảm công lao động, tiết kiệm thời gian.
Trung bình mỗi ngày, máy có thể phun được 30-40ha, tương đương khoảng 20 nhân công lao động, tiết kiệm chi phí khoảng 2-3 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và giải được bài toán thiếu nhân công lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Không những vậy, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ mới đã giúp gia tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân thoát cảnh “chân lấm, tay bùn” và hơn hết là bảo vệ người tiêu dùng. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn, mỗi năm trồng tới 150.000ha lúa; trong khi đó nguồn lao động cho ngành Nông nghiệp ngày càng khó khăn, do chuyển dịch lao động sang làng nghề, dịch vụ, dẫn tới diện tích đất nông nghiệp không canh tác ngày một gia tăng.
Chính vì vậy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất, như: Máy cấy, mạ khay, máy phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái… Điều quan trọng, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất đã giúp cho nông dân, hợp tác xã quản lý nhật ký đồng ruộng, thực hiện các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng mã vùng trồng…, mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp Hà Nội.
Tiếp tục hỗ trợ nhân rộng
Việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp là rất tốt, song chi phí ban đầu cho đầu tư máy móc, công nghệ lớn, nên các ngành chức năng cần tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thắng (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên) Nguyễn Văn Mạnh, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục mở các lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nông dân trong ứng dụng các thành quả của nông nghiệp 4.0 vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ về vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các hợp tác xã trong phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các lĩnh vực trong chuỗi sản xuất cung ứng, tiêu thụ nông sản.
Ứng dụng các công nghệ hiện đại đã mang lại hiệu quả trong sản xuất, không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm số lượng nhân công, mà còn nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Do đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao để có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội trong sản xuất giống, canh tác và sơ chế sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng trong điều hành, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, từ thực tiễn sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tham mưu thành phố xây dựng các chương trình hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, nhằm sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và tham gia vào mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0. Các địa phương cũng cần tập trung phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, tạo thuận lợi cho áp dụng công nghệ 4.0 vào đồng ruộng.