Đồng hành hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Với việc thành lập và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Phòng, chống mua bán người, công tác hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Việc này luôn bảo đảm nguyên tắc sâu sát cơ sở, thấu cảm, đồng hành trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Thấu cảm để hỗ trợ hiệu quả
Thực tế cho thấy, đa phần các nạn nhân của nạn buôn bán người, sau khi được giải cứu trở về địa phương, thường ngại ngần, không muốn chuyện của mình bị quá nhiều người biết, bàn tán, ảnh hưởng cuộc sống riêng. Có những nạn nhân, khi bị lừa bán còn độc thân, đến khi trở về địa phương đem theo vài con nhỏ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn cả về điều kiện kinh tế và khả năng tái hòa nhập.
Trong bối cảnh đó, mô hình Câu lạc bộ Phòng, chống mua bán người - do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội xây dựng, nhằm triển khai Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 17-3-2010 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán người năm 2010 - đã góp phần đồng hành, kết nối các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân giảm bớt khó khăn, tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả.
Theo đó, đến nay đã có 16 câu lạc bộ về phòng, chống tội phạm buôn bán người được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp các đơn vị thành lập và duy trì hoạt động trên địa bàn Thủ đô. Đơn cử như Câu lạc bộ Phòng, chống mua bán người tại huyện Gia Lâm đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan hỗ trợ 3 nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.
Trong đó, Câu lạc bộ đã phối hợp với lực lượng công an, phụ nữ hỗ trợ làm giấy khai sinh và giúp đỡ cho 2 cháu là con của nạn nhân được đi học; giới thiệu việc làm cho các nạn nhân có thu nhập ổn định. Đồng thời, Câu lạc bộ giúp một số nạn nhân hoàn thành thủ tục tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng cho 2 nạn nhân phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Hay như Câu lạc bộ Phòng, chống buôn bán người tại huyện Mỹ Đức đã phối hợp nắm bắt, hỗ trợ 3 nạn nhân bị mua bán từ Trung Quốc trở về. Sau khi nạn nhân trở về địa phương, thành viên câu lạc bộ đến thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần các nạn nhân, hỗ trợ vay vốn xóa đói giảm nghèo, bước đầu đã vượt qua khó khăn, có công việc ổn định.
Tại Đông Anh, Câu lạc bộ Phòng, chống buôn bán người tại xã Uy Nỗ trong những năm qua đã tiếp xúc, thăm hỏi, tư vấn cho hàng chục lượt người là nạn nhân bị mua bán, người di cư trái phép từ nước ngoài trở về, người dự định đi nước ngoài lao động, người có nguy cơ trở thành nạn nhân... Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phòng, chống nạn mua bán người, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức
Ghi nhận nỗ lực và hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ trên địa bàn các quận, huyện, thị xã: Ba Đình, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoàng Mai, Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai, Sơn Tây trong việc hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán sau khi họ trở về địa phương trong những năm qua, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tiếp tục khuyến khích các câu lạc bộ lồng ghép các hoạt động hỗ trợ nạn nhân, kết hợp với truyền thông trực tiếp, trực tuyến, tuyên truyền trên mạng xã hội như Zalo, Facebook về phòng, chống mua bán người cho thành viên câu lạc bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong việc tuyên truyền thông tin trên hệ thống loa truyền thanh tại địa phương, tổ chức hoạt động và sinh hoạt câu lạc bộ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm tuyên truyền phổ biến và nâng cao nhận thức pháp luật; động viên chị em phụ nữ, gia đình và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người.
Đáng chú ý, theo Phó Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ và tư vấn tuyên truyền, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Tạ Thị Minh Hiếu, báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, hoạt động mua bán người có thể mang lại nguồn lợi cho tội phạm lên đến 150 tỷ USD/năm; vì vậy, nạn mua bán người ngày càng có diễn biến phức tạp hơn. Trước đây, 90% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái, nhưng giai đoạn gần đây, đối tượng nạn nhân đang mở rộng sang cả nam thanh niên.
Về việc này, Phó Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người (Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội) Nguyễn Hoàng Trung đề nghị thời gian tới, các câu lạc bộ phòng, chống mua bán người cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, mở rộng đối tượng tuyên truyền trong cả phụ nữ, trẻ em, thanh niên, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, đồng thời, vận động quần chúng tố giác tội phạm, nắm chắc tình hình địa bàn.