Bất động sản

Thị trường bất động sản "yên ắng" chờ lãi suất tiền gửi giảm

Dạ Khánh (thực hiện) 08/08/2023 - 18:02

Trước sự suy thoái của thị trường bất động sản, từ năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc, hỗ trợ, thúc đẩy các dự án bất động sản nhằm tăng nguồn cung... Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội, xung quanh những tác động của các chính sách hỗ trợ đối với thị trường bất động sản, cũng như nhận định về thời điểm phục hồi của thị trường.

ba-do-thu-hang-giam-doc-cap-cao-bo-phan-tu-van-va-nghien-cuu-savills-ha-noi.png
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội

- Từ sau đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng, cung - cầu bất động sản đều sụt giảm. Diễn biến tại thị trường Hà Nội như thế nào, thưa bà?

- Tại thị trường Hà Nội, nguồn cung bắt đầu sụt giảm từ năm 2020. Trong giai đoạn 2020-2022, nguồn cung căn hộ mới mỗi năm chỉ bằng một nửa so với giai đoạn 2015-2019.

Về cơ cấu, căn hộ phân khúc trung cấp (hạng B) vẫn chiếm đa số, lên tới 83% trong năm 2022, tiếp đến là căn hộ cao cấp (hạng A) chiếm 9%. Căn hộ bình dân (hạng C) chỉ chiếm 8%. 6 tháng đầu năm 2023, căn hộ hạng B chiếm 82%, căn hộ hạng A chiếm 11% và căn hộ hạng C còn 7%.

Với nhà ở thấp tầng trong dự án, nếu trong giai đoạn 2017-2021, nguồn cung mới hằng năm luôn đạt hơn 2.000 căn, thì trong năm 2022, nguồn cung mới chỉ đạt 1.481 căn. Đặc biệt, trong quý IV- 2022 chỉ có 45 căn. 6 tháng đầu năm 2023, nguồn cung mới thị trường chỉ đạt 155 căn.

- Theo bà, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là gì?

- Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm nguồn cung nhà ở là do đẩy mạnh rà soát, phân loại dự án bất động sản và thận trọng hơn trong phê duyệt, cấp phép dự án mới. Cùng với đó là chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản.

Ngoài ra, quỹ đất trong khu vực nội thành hạn chế trong khi khu vực ngoại thành thiếu cơ sở hạ tầng nên các dự án nhà ở khó phát triển.

3b2aa5324d05bf5be614.jpg
Thị trường đã có những phản ứng tích cực từ các chính sách hỗ trợ.

- Từ năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp gỡ vướng cho thị trường bất động sản. Thị trường đã thực sự "ngấm" các chính sách chưa hay vẫn cần thêm thời gian?

- Thị trường đã có những phản ứng tích cực nhờ các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Tuy nhiên, thị trường luôn có “độ trễ” đối với các chính sách. Tại thời điểm quý II-2023, đã có thêm dự án đưa ra thị trường hoặc sắp được mở bán. Tuy nhiên, số lượng vẫn chưa nhiều.

Bên cạnh đó, thị trường kỳ vọng vào chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà. Mặc dù vào thời điểm cuối quý II-2023, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đã dễ dàng hơn, nhưng tôi cho rằng, vẫn có những quan ngại liệu lãi suất ngân hàng có tiếp tục điều chỉnh? Tâm lý này đã ảnh hưởng tới mức độ cải thiện của thị trường.

Ngoài ra, vào thời điểm giai đoạn cuối quý II-2023, các chính sách tài khóa, thúc đẩy đầu tư công cũng đang được Chính phủ đẩy mạnh, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế sẽ hỗ trợ cho sự hồi phục của thị trường bất động sản, giúp dòng tiền đi vào hoạt động xây dựng và các lĩnh vực liên quan đến bất động sản.

Để tăng nguồn cung, cần phải làm gì, thưa bà?

- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10-2023. Sau đó, các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống, tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng.

Các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án bất động sản, như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục thu hồi các dự án bỏ hoang, chậm triển khai để loại bỏ các dự án yếu kém, đồng thời, thúc đẩy các dự án khác thực hiện đúng tiến độ.

Về khả năng phục hồi của thị trường căn hộ, tôi cho rằng, tình hình thị trường yên ắng sẽ tiếp tục đến khi lãi suất tiền gửi giảm và thêm nguồn cung mới gia nhập. 

- Trân trọng cảm ơn bà.