Hà Nội kết nối

Giải phóng mặt bằng sẽ không còn là "điểm nghẽn" của nhiều dự án?

An Tôn - Kim Ngân 08/08/2023 - 12:03

Để nối thêm 3,6km đường Vành đai 2, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Đây là mức khá cao. Những dự án cũ đã mang đến bài học mới cho các dự án lớn sắp được thành phố triển khai.

a283(1).jpeg
Đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 14km dang dở sau 15 năm quy hoạch, xây dựng.

Những bài học đắt giá

Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh vừa có đề xuất để các sở, ngành góp ý trước khi trình UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét, thông qua chủ trương huy động đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng để khép kín đường Vành đai 2, với đoạn tuyến dài khoảng 3,6km, quy mô 6 làn xe từ đường Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (thành phố Thủ Đức).

Nếu để so sánh, 9.800 tỷ đồng tương đương chi phí giải phóng mặt bằng và bằng ½ tổng mức đầu tư gần 54km đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) quy mô 4-6 làn xe cao tốc tùy đoạn tuyến, mặt cắt ngang 24,75m và 2 nút giao khác mức quy mô lớn.

Theo Sở GTVT, chi phí giải phóng mặt bằng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án đường Vành đai 2 của thành phố bị đứt đoạn. Tuyến đường dài 64km được quy hoạch từ 15 năm trước. Nhưng đến tháng 7-2023, toàn tuyến vẫn còn 4 đoạn chưa hoàn thành với tổng chiều dài 14km.

Một dự án khác tại thành phố Hồ Chí Minh cũng điển hình cho việc chậm tiến độ, đội vốn do khó khăn trong giải phóng mặt bằng là cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè. Dự án này được phê duyệt từ năm 2001, quy mô dài 318m, rộng 15m; phần đường dẫn có tổng chiều dài 661m, chiều rộng 18-29m, cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng...

Nhưng đến năm 2007, dự án mới giải phóng được một phần nhỏ mặt bằng, do người dân không đồng thuận mức giá đền bù thấp. 11 năm sau đó, khi có mặt bằng nhiều hơn, thành phố Hồ Chí Minh mới có thể khởi công xây cầu.

Đến năm 2019, dự án lại một lần nữa ngưng trệ, do nhiều hộ dân 2 bên đường dẫn không hợp tác bàn giao mặt bằng với lý do như 12 năm trước. Đến tháng 9-2022, cây cầu được xây dựng trở lại, sau khi thành phố Hồ Chí Minh chi thêm hơn 311 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng.

a285a.jpg
Cầu Long Kiểng mới dự kiến khánh thành dịp Quốc khánh 2-9 năm nay.

Dự kiến, dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, cây cầu sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng, kết thúc gần 23 năm chờ đợi của người dân khu vực này.

Theo Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, 2 điểm nghẽn lớn nhất trong giải phóng mặt bằng các dự án trong thời gian qua là vừa thi công, vừa giải phóng mặt bằng (nhất là với dự án nhóm B) và giá đền bù giải tỏa còn thấp. 

Nhiều kỳ vọng với cách làm mới

Một điển hình tại thành phố Hồ Chí Minh minh chứng cho việc tách riêng giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và áp giá đền bù cao để đẩy nhanh tiến độ dự án là việc giải phóng mặt bằng hơn 47km đường Vành đai 3.

a286.jpg
Phối cảnh đoạn tuyến Vành đai 3 qua thành phố Hồ Chí Minh đang được xây dựng. Thành phố chỉ mất hơn 2 tháng để có được 87% diện tích mặt bằng của 47km dự án.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý xây dựng hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh, với mức giá đền bù cao nhất lên đến 73 triệu đồng/m2, thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất hơn 2 tháng để có được 87% mặt bằng của hơn 412ha đất trong vùng dự án, với 1.738 trường hợp bị ảnh hưởng.

Ngày 18-6 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công đoạn tuyến, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025 và hoàn thành vào 2026.

Một ví dụ khác là dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2 Bến Thành - Tham Lương. Sau rất nhiều chậm trễ, từ đầu năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh áp dụng cách làm mới: Giải phóng mặt bằng xong cơ bản suốt 11km chiều dài dự án mới khởi công xây dựng.

a288.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công gói thầu hạ tầng kỹ thuật sau khi có 87% diện tích mặt bằng dự án metro số 2.

Kết quả là đến tháng 6-2023, dự án đã có khoảng 87% diện tích để đơn vị thi công triển khai các gói thầu phụ trợ. Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư gần 48.000 tỷ đồng này sẽ khởi công các hạng mục chính từ năm 2025, vận hành từ năm 2030.

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) nhận định: Cách làm này giúp dự án không lặp lại bài học đắt giá tại tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, việc vừa xây dựng, vừa giải phóng mặt bằng của metro số 1 đã khiến dự án chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn từ hơn 7.380 tỷ đồng lên 43.750 tỷ đồng.

Nghị quyết 98 của Quốc hội về áp dụng cơ chế chính sách đặc thù mới cho thành phố Hồ Chí Minh vừa có hiệu lực từ ngày 1-8-2023 đã mở ra những cơ hội mới để thành phố phát triển, nhất là với hạ tầng giao thông. Hai điểm nổi bật trong số đó là việc cho phép thành phố tách dự án giải phóng mặt bằng, kể cả với dự án nhóm B và huy động nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng giao thông.

Với chính sách mới, ngoài dự án đoạn tuyến Vành đai 2 (dự kiến huy động hơn 9.800 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư PPP), thành phố Hồ Chí Minh còn khởi động nhiều dự án khác.

a290.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến huy động gần 10.000 tỷ đồng mở rộng 5km đoạnbquốc lộ 13 theo hợp đồng BOT trên đường hiện hữu.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng, thành phố đã kêu gọi đầu tư BOT trên đường hiện hữu để nâng cấp, mở rộng 5km đoạn quốc lộ 13 qua thành phố, quy mô từ 4 lên 8 làn xe, tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng…, dự kiến khởi công năm 2025; dự án cầu Cần Giờ gần 12.000 tỷ đồng; loạt dự án theo trục Đông Tây hơn 13.000 tỷ đồng.

Thành phố cũng sẽ huy động vốn thực hiện loạt dự án theo trục Bắc Nam là 54.000 tỷ đồng; dự án mở rộng quốc lộ 1A với nguồn vốn khoảng 13.000 tỷ đồng… để sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông còn yếu, phục vụ phát triển địa phương và toàn vùng, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.