Tại sao Thụy Điển và Đan Mạch gặp khó trong ngăn chặn các vụ đốt kinh Koran?
Cả Thụy Điển và Đan Mạch đều đang xem xét các cách để hạn chế đốt kinh Koran nhằm giảm căng thẳng với các quốc gia Hồi giáo, nhưng họ đều không có luật được sử dụng để cấm đốt kinh Koran.
Theo hãng tin Reuters ngày 6-8, việc các nhà hoạt động chống Hồi giáo ở Đan Mạch và Thụy Điển đã đốt và làm hư hại một số bản kinh Koran trong những tháng gần đây khiến thế giới Hồi giáo phẫn nộ và yêu cầu các chính phủ Bắc Âu cấm những hành động như vậy.
Cả hai chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển đã lên án các vụ đốt phá, đồng thời cho biết, họ đang xem xét các luật mới có thể ngăn chặn điều này. Nhưng các nhà phê bình trong nước nói rằng, quyền tự do ngôn luận và biểu đạt được bảo vệ trong hiến pháp của họ và bất kỳ động thái thay đổi nào sẽ làm suy yếu các quyền đó.
Ít nhất 3 trong số các cuộc biểu tình đốt kinh Koran ở Thụy Điển trong tháng qua đã được lãnh đạo bởi Salwan Momika, một người tị nạn từ Iraq nói rằng muốn phản đối toàn bộ thể chế Hồi giáo và cấm sách thánh của họ.
Vào khoảng thời gian diễn ra các cuộc biểu tình trên, một nhóm hoạt động cực hữu có tên là "Những người yêu nước Đan Mạch" đã tổ chức các cuộc biểu tình chống Hồi giáo của riêng mình ở nước láng giềng Đan Mạch, nói rằng họ đang chống lại cái mà họ coi là "Hồi giáo hóa" của các xã hội Bắc Âu.
Ít nhất 10 bản kinh Koran đã bị đốt ở Đan Mạch trong 10 ngày qua.
Nhà hoạt động cực hữu người Đan Mạch - Thụy Điển Rasmus Paludan, người đứng sau các vụ đốt kinh Koran lẻ tẻ kể từ năm 2017, đã thực hiện nhiều vụ đốt kinh Koran hơn ở cả hai quốc gia trong năm nay, nói rằng ông tức giận "trước sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc Thụy Điển xin gia nhập NATO".
Việc cố tình đốt kinh Koran bị người Hồi giáo coi là một hành động "báng bổ và xúc phạm": Xúc phạm kinh Koran được coi là một hành vi phạm tội nghiêm trọng đáng bị trừng phạt nghiêm khắc.
Đan Mạch và Thụy Điển là một trong những quốc gia không theo tôn giáo và tự do nhất trên thế giới, từ lâu đã cho phép công chúng chỉ trích tôn giáo một cách công khai.
Các chính trị gia Đan Mạch nói rằng, một lệnh cấm (đốt kinh Koran) hoàn toàn sẽ làm tổn hại đến quyền tự do ngôn luận đã được ghi trong hiến pháp của công dân nước này.
"Tôi sẽ không bao giờ đốt sách, nhưng tôi sẽ đấu tranh để những người khác có quyền làm điều đó", Susie Jessen, một nghị sĩ của đảng Dân chủ Đan Mạch cánh hữu, nói với Reuters.
Tuy nhiên, cả Thụy Điển và Đan Mạch đều cho biết, họ đang xem xét các cách để hạn chế đốt kinh Koran một cách hợp pháp nhằm giảm căng thẳng với các quốc gia Hồi giáo. Nhưng cả hai quốc gia đều không có luật được sử dụng để cấm đốt kinh Koran.
Cả hai đều đã phải đối mặt với sự phản ứng lớn. Trong tháng 7, một đám đông giận dữ xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad. Cả hai nước Bắc Âu mới đây cho biết, họ đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng.
Các đại sứ của hai nước cũng đã bị triệu đến để chỉ trích và cảnh báo trên khắp Trung Đông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết sẽ hỗ trợ để đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển được chấp thuận, nhưng cảnh báo điều đó sẽ không xảy ra chừng nào các bản kinh Koran còn bị đốt ở Thụy Điển.
Ở Thụy Điển, cảnh sát phải cấp giấy phép cho người biểu tình nhưng chỉ có thể từ chối nếu an toàn công cộng tại địa điểm biểu tình bị xâm phạm. Ở Đan Mạch, người biểu tình chỉ cần thông báo cho cảnh sát rằng họ sẽ biểu tình.
Chính phủ Thụy Điển đang xem xét liệu luật duy trì trật tự công cộng có thể được sửa đổi hay không, trong đó đã loại trừ việc coi việc đốt thánh thư là bất hợp pháp.
Chính phủ Đan Mạch cho biết, họ sẽ tìm kiếm một "công cụ pháp lý" có thể cho phép chính quyền can thiệp vào các cuộc biểu tình như vậy, nếu được coi là gây ra "hậu quả tiêu cực đáng kể cho Đan Mạch, đặc biệt là về an ninh".