“Danh” bỏ xa “thực”
Nước chủ nhà Ả rập Xê út hài lòng và các nước phương Tây đối địch Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine hể hả khi có tới đại diện của hơn 40 quốc gia nhận lời mời tới tham dự một hội nghị quốc tế về cuộc chiến ở Ukraine.
Phe này đặc biệt đề cao sự tham dự của 4/5 thành viên của khối các nền kinh tế mới nổi - nhóm BRICS là Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ trong khi Nga, cũng là thành viên của nhóm lại không được mời tham dự. Theo Ả rập Xê út, mục đích của hội nghị là tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình giúp chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Hồi cuối tháng 6 vừa qua, một hội nghị quốc tế về cuộc chiến ở Ukraine đã được các nước phương Tây chủ trì tổ chức ở Đan Mạch, Trung Quốc được mời nhưng không tham dự. Vì thế, trên phương diện này, Ả rập Xê út không khai phá mở lối mà chỉ làm theo tiền lệ.
Ngay từ đầu, ai cũng biết hội nghị ở Ả rập Xê út không thể đưa lại giải pháp chính trị nào mới cho cuộc chiến ở Ukraine, đơn giản vì chẳng thể có giải pháp chính trị hòa bình nào giúp chấm dứt được cuộc chiến ở Ukraine nếu không có sự tham gia trực tiếp ngay từ đầu của Nga.
Ngoài ra, giải pháp chính trị nào cũng đều phải xử lý lại mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO cũng như định hình lại trật tự chính trị an ninh ở châu Âu. Ả rập Xê út là nơi không thích hợp cho việc giải quyết những khía cạnh này.
Hội nghị vừa rồi ở Ả rập Xê út giống sự kiện trước đấy ở Đan Mạch là không đưa ra được tuyên bố chung và chỉ đạt được sự nhất trí nào đấy trong một vài nhóm thành viên tham dự khác nhau.
Nga không phản đối hội nghị nhưng cho rằng sự kiện này chỉ nhằm mục đích tập hợp lực lượng trên thế giới chống lại Nga. Trong phản ứng này ẩn hiện sự không hài lòng của Nga về Ả rập Xê út và các thành viên của nhóm BRICS. Tuy nhiên, Nga có thể không quá lo ngại khi những đối địch của Nga không đạt được thành công đáng kể trong việc biến hội nghị thành khuôn khổ diễn đàn tập hợp lực lượng đối địch Nga.
Kết quả sự kiện tuy ít ỏi cả về lượng lẫn chất nhưng vẫn đủ để Ả rập Xê út là bên được lợi nhiều nhất. Quốc gia này muốn gây dựng vai trò, ảnh hưởng chính trị thế giới và khu vực nổi trội đặc biệt ở vùng Vịnh và trong thế giới Hồi giáo; chen chân chiếm phần vào “cuộc chơi trung gian hòa giải” giữa Nga và Ukraine phục vụ cho việc hiện thực hóa ước vọng vươn lên trở thành và được công nhận là một bên trong cuộc chơi chính trị toàn cầu. Ả rập Xê út tận dụng triệt để những lợi thế cũ và mới từ dầu mỏ cũng như khí đốt giúp đất nước có được vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách và chiến lược của các đối tác bên ngoài.
Các bên tham dự khác, đều theo đuổi lợi ích riêng. Các đối địch của Nga dùng hội nghị để cô lập và gia tăng áp lực đối với Nga, vận động ủng hộ Ukraine, phân rẽ các bên còn trung lập hay vẫn hậu thuẫn Nga. Họ chủ ý đề cao ý nghĩa của hội nghị theo hướng này và gần như phớt lờ việc hội nghị chẳng đạt được kết quả đáng kể nào. Nhiều bên tham dự vì tránh để bị coi là đồng minh của Nga trong khi không để cho hội nghị diễn biến theo hướng chống Nga. Tất cả đều muốn có phần riêng và không để cho ai chiếm độc quyền hay phần lớn trong việc kiến tạo giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine.
Sự thiếu vắng của cả thiên thời, địa lợi lẫn nhân hòa khiến sự kiện lớn tuy không hẳn "hữu danh vô thực" nhưng "thực" vẫn ở rất xa, sau "danh"...