Bóng chuyền Hà Nội và nỗi lo "cơm áo gạo tiền"
Niềm vui giành quyền lên thi đấu ở Giải vô địch quốc gia năm 2024 tới chưa được bao lâu thì nhà quản lý đội bóng chuyền nữ Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) lại đối mặt với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.
Đó là câu chuyện chung của bóng chuyền Hà Nội, xuất hiện từ lâu nhưng tới giờ vẫn chưa có cách khắc phục hiệu quả.
Xứng danh nôi đào tạo trẻ bậc nhất Việt Nam
Lâu nay, bộ môn bóng chuyền của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (gọi tắt là bóng chuyền Hà Nội) vẫn có tiếng là đào tạo vận động viên (VĐV) trẻ tốt bậc nhất Việt Nam dù kinh phí chưa bao giờ vào hàng “dư dả”.
Cũng vì vậy, lúc này, dù không thể thuê VĐV từ các đội khác do không có kinh phí nhưng bóng chuyền Hà Nội vẫn có đại diện thi đấu ở nội dung nam tại giải vô địch bóng chuyền quốc gia. Thậm chí, năm 2022, đội nam Hà Nội còn tạo "cú sốc" khi giành Huy chương Đồng với dàn VĐV “cây nhà lá vườn”.
Với đội nữ, sau khi chuyển giao toàn bộ lứa VĐV ưu tú nhất cho Hóa chất Đức Giang vào năm 2016, bóng chuyền Hà Nội phải bắt tay lại từ đầu với dàn VĐV trẻ măng. Ở mùa giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2023 mới kết thúc, bóng chuyền nữ Hà Nội đã vượt chỉ tiêu (giành quyền vào trận chung kết) một cách ngoạn mục dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Hữu Bình. Đội vượt qua Hải Dương ở trận chung kết và giành vé thăng hạng. Đáng chú ý, trong dàn cầu thủ Hà Nội có nhiều cầu thủ trẻ, trong đó có 2 VĐV sinh năm 2009, 1 VĐV sinh năm 2005. Cả đội cũng chỉ có 1 cái tên đáng chú ý là Vi Thị Nhi Yến (sinh năm 2003) - mới được gọi vào đội tuyển quốc gia.
Trưởng bộ môn bóng chuyền - bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) Bùi Đình Lợi nhấn mạnh rằng, thành tích vừa qua của đội nữ đã nối tiếp mạch ngầm chảy suốt của bóng chuyền nữ Thủ đô dù gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là sự khẳng định thương hiệu bóng chuyền Hà Nội, đặc biệt là về công tác đào tạo trẻ.
Đau đáu tìm hướng giải quyết
Ít ngày sau khi đội bóng chuyền nữ Hà Nội đạt mục tiêu thăng hạng, trong câu chuyện của mình, Trưởng bộ môn bóng chuyền - bóng rổ Bùi Đình Lợi kể rằng bấy lâu nay mình vẫn đau đáu suy nghĩ là làm thế nào để VĐV có chế độ tốt hơn bên cạnh nguồn thu nhập chính từ ngân sách cấp cho bộ môn, từ đó giúp họ yên tâm gắn bó với bóng chuyền Thủ đô.
Đó là nỗi lo chính đáng khi đội bóng nam hiện đang thi đấu ở sân chơi có nhiều đội bóng được các doanh nghiệp “tiếp sức” để tạo nên những vụ chuyển nhượng đình đám với mức lót tay tiền tỷ. Mức thu nhập, mức thưởng của các đội này thực sự là mơ ước với những đội bóng “nhà nghèo” như Hà Nội. Như nhận định của nhà quản lý, các HLV của bóng chuyền Hà Nội, nhiều VĐV nam hiện giờ vẫn còn gắn bó với đội chính là nhờ cái tình với những người thầy đã đào tạo họ từ khi bước chân vào thể thao thành tích cao và ý thức giữ vững truyền thống của bóng chuyền Thủ đô.
Hiểu tâm tư của VĐV và muốn các học trò yên tâm cống hiến nên bấy lâu nay, nhà quản lý bóng chuyền Hà Nội đã phải đôn đáo tìm, mời gọi các doanh nghiệp đồng hành cùng đội. Mong ước của họ cũng đơn giản, là có thêm khoản hỗ trợ trực tiếp cho VĐV của đội dù chỉ là vài triệu đồng mỗi tháng cho mỗi VĐV. Họ tin rằng, chỉ cần như vậy cũng đủ để VĐV yên tâm thi đấu và hoàn toàn có thể trụ hạng ở sân chơi cao nhất của bóng chuyền Việt Nam.
Nhưng, rất buồn là đến lúc này đội vẫn chưa có nhà tài trợ, chưa có doanh nghiệp đồng hành. Trong bối cảnh đó, giờ lại thêm đội nữ được thăng hạng, thi đấu ở giải vô địch quốc gia năm 2024 thì áp lực về kinh phí để “tiếp sức” cho các đội nam, nữ lại càng lớn. Mục tiêu trụ hạng ở mùa giải 2024 với hai đội bóng được dự báo là thực sự khó khăn. Đó là nỗi lo có thật nếu nhìn vào tiềm lực kinh phí, chế độ đãi ngộ cho VĐV Hà Nội (tổng thu nhập mỗi cầu thủ khoảng hơn 11 triệu đồng/ tháng, bao gồm cả chế độ ăn và bồi dưỡng tập luyện) còn hạn chế so với mặt bằng chung của bóng chuyền Việt Nam.
Đó là nỗi lo lớn nhất chứ không hẳn là việc các đội bóng chuyền Hà Nội phải vất vả sắp xếp thời gian tại nhà tập ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội do nơi này đang là nơi tập luyện chung của cả các tuyến bóng chuyền cũng như bóng rổ Hà Nội. Hay xa hơn là việc tuyển sinh ngày càng khó khăn do nguồn VĐV ngày càng khan hiếm, bộ môn không có nguồn lực để xây dựng đội ngũ tuyển chọn ở cấp cơ sở như đã làm được vào hơn chục năm trước. Trong khi đó, việc thành lập Liên đoàn Bóng chuyền Hà Nội vẫn chưa có tiến triển đáng kể dù bộ máy này chính là nơi được kỳ vọng có thể “tiếp sức” cho các đội bóng chuyền Hà Nội một cách hiệu quả.
Sau niềm vui lại là nỗi lo. Đó là câu chuyện cần sớm được tháo gỡ của bóng chuyền Hà Nội trong dòng chảy của bóng chuyền Việt Nam nếu không muốn tụt lại phía sau.