Kết hợp truyền thống - hiện đại tạo bứt phá
Sân khấu Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung trong thời kỳ hội nhập và phát triển luôn đứng trước thách thức về việc vừa bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc, vừa mang tính hiện đại, mới mẻ để thu hút, tiếp cận được khán giả, nhất là người trẻ. Nhiều tác phẩm kết hợp giữa truyền thống - hiện đại ra đời, được công chúng đón nhận và tạo thành hướng đi để đưa sân khấu bứt phá.
Tránh “gieo vừng ra ngô”
Sau khi ra mắt sân khấu quay hiện đại với vở “Hà thành chính khí” tạo được chú ý, Nhà hát Kịch Hà Nội tiếp tục tận dụng công nghệ hiện đại hợp lý trong các tác phẩm “Trương Chi - Mỵ Nương”, “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường”… để đưa những câu chuyện dân gian, lịch sử, văn học kinh điển lên sân khấu tiếp cận khán giả hôm nay.
Vở diễn “Nắm xôi kỳ diệu” hay “Chuyện thằng Bờm” vừa mới ra mắt của Nhà hát Chèo Hà Nội, lấy cảm hứng từ bài ca dao “Thằng Bờm” trong kho tàng dân gian Việt Nam, là sự sáng tạo đan xen giữa truyền thống và hiện đại trên sân khấu Thủ đô. Bên cạnh dệt nên một cốt truyện với các nhân vật quen thuộc như thằng Bờm, Phú ông, Phú bà, Gái… vở diễn còn sử dụng nhiều trò chơi dân gian quen thuộc với trẻ em xưa để giới thiệu với khán giả trẻ hôm nay. Đặc biệt, diễn viên liên tục giao lưu, tương tác với khán giả và nói những câu bắt “trend” (xu hướng) giới trẻ khiến tác phẩm thêm sinh động, hấp dẫn.
Cũng mượn câu chuyện về “Thằng Bờm” trong dân gian, với vở diễn “Giấc mơ của Bờm”, Nhà hát Tuổi trẻ lại chọn hình thức thể hiện nhạc kịch - vốn đang là xu hướng sân khấu được khán giả trẻ không chỉ Việt Nam mà trên thế giới yêu thích.
Táo bạo hơn, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam còn sáng tạo vở ballet “Đông Hồ” lấy chất liệu từ những bức tranh dân gian Đông Hồ, tạo nên một tác phẩm hội họa dân gian kết hợp cùng với nghệ thuật cổ điển và đương đại thế giới độc đáo. Bằng vũ điệu uyển chuyển trên đôi giày ballet mũi cứng, trên nền nhạc giao hưởng “Bốn mùa” - “New Four Seasons” của nhà soạn nhạc Max Richter biên soạn từ bản gốc của Vivaldi, các nghệ sĩ đã vẽ nên những bức tranh Đông Hồ quen thuộc như “Hứng dừa”, “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”, “Vinh quy bái tổ”, “Lý ngư vọng nguyệt”… chinh phục nhiều đối tượng khán giả.
Nhưng, trên sân khấu Thủ đô vẫn bắt gặp một vài vở diễn mà diễn viên đang hát chèo lại điểm đôi câu vọng cổ mùi mẫn. Có tác phẩm nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương mong muốn đẩy nhanh tiết tấu để khán giả không cảm giác lê thê thì lại thành kịch nói hóa, mất đi nét đặc trưng của loại hình. Tuy đây chỉ là những tìm tòi, thể nghiệm mới của nghệ sĩ, song nếu không khéo, dễ xảy ra tình trạng sân khấu “Gieo vừng ra ngô”.
Song hành cùng phát triển
Nghị quyết số 33-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng, ngày 9-6-2014, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, ngày 16-6-2008, về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đều xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu cả nước nói chung luôn theo hướng hài hòa, song hành giữa tính truyền thống và tính hiện đại.
Tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du cho rằng, trong sáng tạo sân khấu, nghệ sĩ phải xác định tính hiện đại chính là diện mạo, còn bản sắc truyền thống là cốt lõi của tác phẩm. Những giá trị truyền thống sẽ là yếu tố tạo nên nét riêng biệt, giúp sân khấu của ta hòa nhập mà không hòa tan, còn yếu tố hiện đại sẽ hấp dẫn, thu hút khán giả đến với sân khấu. Nhưng làm thế nào để kết hợp nhuần nhị tính truyền thống và hiện đại trong cùng tác phẩm sân khấu luôn là câu hỏi hóc búa với người sáng tạo. Đó không chỉ là việc dựng vở chèo, tuồng, cải lương, múa rối đề tài hiện đại hay diễn chuyện lịch sử, dân gian bằng sân khấu kịch nói...
Dẫn chứng về kịch bản của Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quang Khanh viết vở chèo về hình tượng Thái sư Trần Thủ Độ, trong đó tác giả xây dựng nhân vật hề mồi, hề gậy của gốc chèo cổ trên sân khấu là những robot tân tiến, tác giả Phạm Hữu Huề cho rằng, đây là sự kết hợp truyền thống và hiện đại ngay từ kịch bản. Song, để dàn dựng được kịch bản này trên sân khấu không đơn giản, bởi khi diễn song hành nhân vật truyền thống và nhân vật robot rất khó để có sự nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, không bị gượng ép, các trò kết hợp cuốn hút, hấp dẫn. Điều này đòi hỏi đạo diễn và diễn viên phải thật sáng tạo, tài năng và công phu. Theo tác giả Phạm Hữu Huề, bên cạnh kịch bản tốt, đạo diễn giỏi, diễn viên tài ba, sự thành công của vở diễn còn cần những yếu tố hỗ trợ như âm thanh, ánh sáng, công nghệ kỹ thuật tiên tiến, có thể điều khiển từ xa…
Cùng chung quan điểm, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và khoa học công nghệ sẽ đem đến cho khán giả những trải nghiệm ấn tượng khó quên, kéo khán giả đến với sân khấu, đến với nghệ thuật. Việc đầu tư trang thiết bị sân khấu hiện đại, như sử dụng tai nghe, màn hình có phụ đề… còn giúp cho khán giả quốc tế tiếp cận với tác phẩm nghệ thuật truyền thống dân tộc. "Yếu tố con người là quan trọng nhất. Người làm sân khấu phải có tư duy sáng tạo, tâm huyết, tìm hiểu sâu truyền thống dân tộc, cập nhật xu hướng sân khấu thế giới, được khán giả ngày nay yêu thích, để dàn dựng tác phẩm kết hợp hấp dẫn, góp phần tạo sự đột phá cho sân khấu", Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Trung Hiếu khẳng định.