Nghệ thuật đồ họa: Từ dân gian đến đương đại
Những năm gần đây, nghệ thuật đồ họa đã có bước chuyển mạnh mẽ về nhiều mặt, từ hình thức tới ngôn ngữ nghệ thuật. Dẫu vậy, nguồn mạch kết nối với dân gian, như một lẽ tự nhiên, vẫn là nguồn nuôi dưỡng, tạo nên bản sắc của đồ họa Việt Nam ngay cả khi nó kể những vấn đề đương đại bằng một hình thức mới lạ nhất.
Hơn một thập niên gói trong một triển lãm
6 họa sĩ - 6 tác giả nổi bật của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực đồ họa, gồm: Nguyễn Nghĩa Phương, Phan Hải Bằng, Vũ Đình Tuấn, Phạm Khắc Quang, Vũ Bạch Liên, Nguyễn Khắc Hân vừa có một triển lãm chung rất thú vị tại Hà Nội mang tên “Nghệ thuật đồ họa: Từ dân gian đến đương đại”. Triển lãm lập tức thu hút sự chú ý của giới mỹ thuật bởi đây được xem như bản tổng kết câu chuyện hơn một thập niên qua của đồ họa nghệ thuật Việt Nam.
Mỗi họa sĩ mang đến triển lãm một dư vị khác nhau. Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương (sinh năm 1969) tạo nét riêng với tầng sâu mỹ cảm dân gian và hơi thở của những lớp lang văn hóa vùng Kinh Bắc. Họa sĩ Phan Hải Bằng (1971) thể hiện sự liên tưởng phức tạp về tính phồn thực, sự giằng xé của cảm xúc riêng tư trong thế giới nhẫn nhịn và giác ngộ. Họa sĩ Vũ Đình Tuấn (1973) quyến rũ người xem bằng một họa cảm phương Đông bí ẩn, ma mị, đường đột về màu sắc, bất ngờ trong hình hài, cô đọng mà giàu sức liên tưởng.
Họa sĩ Phạm Khắc Quang (1975) linh hoạt trong cách sử dụng hiệu quả thị giác, người thưởng ngoạn bị cuốn hút, mê hoặc bởi sự tỉ mỉ, công phu. Họa sĩ Vũ Bạch Liên (1976) giới thiệu những tác phẩm hấp dẫn với cấu trúc nét chi tiết, tỉ mỉ và rung cảm, nét sáng tạo đặc biệt, công phu, giàu sắc cảm, đa chất liệu, quy mô lớn. Họa sĩ Nguyễn Khắc Hân (1978) bằng sự tỉ mỉ, tinh tế, cô đọng bởi sắc độ đen - trắng, đem đến ấn tượng thị giác mạnh mẽ và sâu sắc, thể hiện sự quan tâm tới các khía cạnh và khoảng cách của văn hóa Đông - Tây, hiện đại - truyền thống, qua sự phát triển của thế hệ trẻ trong gia đình và không gian sống ngoài xã hội.
Giám tuyển Dương Thu Hằng, Giám đốc Hanoi Studio Gallery đánh giá: “Đây là một triển lãm cơ bản, mang tính truyền cảm hứng, giới thiệu những tác giả rất tâm huyết và thành công với đồ họa Việt Nam trong 10 - 15 năm qua. Họ đã làm nên một thế hệ đồ họa nghệ thuật mới, mới từ bút pháp, từ năng lượng, sức làm việc. Nhiều bộ sưu tập khắc gỗ mà tạo hình và nét khắc họa tinh tế, bay bổng, hoặc nghiêm nhặt, hàn lâm, hoặc đẩy đến tận cùng tỉ mẩn, chi tiết. Đời sống, cái nhìn, câu chuyện, ý niệm của các tác giả đã tạo cảm hứng cho nhiều lứa nghệ sĩ trong thực hành nghệ thuật đương đại và đem đến những cảm xúc mới mẻ cho công chúng thưởng thức nghệ thuật”.
Đối thoại với dân gian
Điểm thu hút đặc biệt nhất tại triển lãm này có lẽ là cuộc đối thoại giữa yếu tố dân gian và đương đại được các họa sĩ thể hiện dưới nhiều góc độ. Giám tuyển Dương Thu Hằng đánh giá: “Chúng ta có một nền nghệ thuật dân gian rất đặc sắc..., nhưng cảm hứng đó chuyển tải thế nào đến sáng tác của từng nghệ sĩ, đó là điều có thể thấy rất rõ ở triển lãm này”.
Với họa sĩ Phạm Khắc Quang, dân gian là đối tượng để đối thoại. Anh chia sẻ: “Trong các tác phẩm, yếu tố dân gian được khai thác rất nhiều, người nghệ sĩ đối thoại với các yếu tố, hình ảnh gần gũi trong tranh dân gian nhưng lại đem đến một câu chuyện đương đại. Dân gian là cái đệm, để các nghệ sĩ nhìn vào đó, đối thoại và đưa ra những câu chuyện thời nay. Không chỉ riêng với đồ họa mà với tất cả các loại hình nghệ thuật, xu hướng nói chung, chúng ta phải đi tìm những trải nghiệm mới với những câu chuyện, đối thoại mới để tìm được cách biểu đạt thị giác mới, ngôn ngữ nghệ thuật thị giác mới hơn”.
Nghệ thuật, dù ở thời kỳ nào cũng luôn là phương tiện để nghệ sĩ phản ánh, đối thoại với các vấn đề của xã hội đương thời. Đây cũng là mạch nguồn xuyên suốt trong lịch sử đồ họa Việt Nam. PGS, TS, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng là họa sĩ tham gia triển lãm, đánh giá: “Từ dân gian đến đương đại là một quá trình tự nhiên. Thực tế là các tác giả thực hành sáng tác đồ họa ở Việt Nam từ xưa đến giờ luôn có sự kết nối với dân gian, từ tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế)...
Dân gian như một nguồn mạch mà tất cả các họa sĩ khi nghĩ tới, khi sáng tác đều trăn trở, tuy nhiên mỗi giai đoạn lại có một cách đối thoại riêng với nó, mỗi họa sĩ có cách chuyện trò với các giá trị dân gian khác nhau. Khi làm triển lãm này, chúng tôi cũng không bàn nhau, không xác định trước chủ đề nhưng cũng rất tự nhiên, các tác phẩm đều có giá trị dân gian trong đó, có thể ở khía cạnh tạo hình, có thể ở chủ đề, ở hình tượng, cũng có thể ở khía cạnh cách nghĩ rất dân gian, có thể nói trực diện về một vấn đề nào đó, giống như ngày xưa các cụ có chủ đề về đám cưới chuột, thầy đồ cóc...
Cách suy nghĩ nói bóng gió, mượn hình tượng này để nói vấn đề kia cũng có trong dân gian. Một cách rất tự nhiên, dân gian hiện diện trong sáng tác của các họa sĩ. Và trên thực tế, cách nghĩ của các cụ xưa với thực hành nghệ thuật đương đại bây giờ cũng có những điểm chung, ngoài chuyện về vẻ đẹp còn có câu chuyện về chính những vấn đề đương thời. Đó là một sự gặp gỡ tự nhiên, nó thuộc về mạch ngầm trong đời sống sáng tác của một cộng đồng, xuyên suốt trong sáng tác đồ họa Việt Nam với một chất tự sự cộng đồng rất rõ. Đây là nét độc đáo so với nghệ thuật thế giới, bởi nghệ thuật thay đổi nhưng không phải là sự hoán đổi, nó là sự tiếp biến, kế thừa, là mạch ngầm của một cộng đồng qua các thế hệ khác nhau”.
Đi tới cùng để tiệm cận thế giới
Nếu yếu tố dân gian khiến mỗi người xem cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ khi đứng trước các tác phẩm thì yếu tố đương đại ở triển lãm lại mang đến sự bất ngờ về mặt thị giác. Trước đây, ấn tượng của người xem với đồ họa chủ yếu là những bức tranh khắc gỗ và khắc thạch cao khổ nhỏ, thường tả thực thì ở triển lãm này, đã có những tác phẩm rất lớn với chất liệu, kỹ thuật in đa dạng, trong đó có những kỹ thuật rất mới như kỹ thuật khắc gỗ phá bản hay in kỹ thuật số... “Mặc dù thực hành đồ họa nhưng các họa sĩ không dựa trên những yếu tố kỹ thuật và những tác phẩm rất nhỏ của đồ họa nữa mà là những tác phẩm rất lớn.
Vũ Bạch Liên, Phạm Khắc Quang... dùng yếu tố hàn lâm của đồ họa nhưng lại không bị mặc cảm rằng tác phẩm chỉ bó tròn xung quanh những câu chuyện nhỏ của đồ họa. Đồ họa với họ chỉ đơn giản là một thủ pháp, một kỹ thuật thôi, chính vì vậy nó đã đưa đến một tầm nhìn khác. Thế giới cũng vậy, việc sử dụng các yếu tố đồ họa trong tác phẩm là không có ranh giới, người ta không còn phân biệt tranh đồ họa hay tranh vẽ... Tất cả chỉ là thủ pháp để tạo nên một tác phẩm” - giám tuyển Dương Thu Hằng đánh giá.
Trong khoảng một thập niên qua, đồ họa được đánh giá là đã có những thay đổi mang tính đột khởi, đặc biệt là về chất lượng. “Các họa sĩ thực hành nghệ thuật đương đại với những phương pháp mới, tạo ra một tinh thần nghệ thuật của thời bây giờ. Nên tranh đồ họa rất khác so với 10 năm trước, khác nhất là ở tinh thần đi đến cùng với nghệ thuật đương đại để tiệm cận với thế giới” - họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương khẳng định.