Hà Nội kết nối

Nghe sông Sài Gòn kể chuyện

Nhóm phóng viên 05/08/2023 - 16:21

Thành phố Hồ Chí Minh đang trong những ngày tổ chức Lễ hội sông nước lần 1 năm 2023 với chủ đề “Lắng nghe dòng sông kể chuyện”. Trong vô vàn câu chuyện sông nước của thành phố, chuyện về sông Sài Gòn nổi bật hơn cả, với một lưu vực rộng đến 5.000km2.

a168(1).jpg
Trong chiều dài hơn 256km của mình, sông Sài Gòn có hơn 80km uốn lượn qua thành phố Hồ Chí Minh.

Sông Sài Gòn là một phụ lưu của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ một vùng đồi thấp thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, rồi chảy qua địa phận ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh. Qua hồ Dầu Tiếng, sông trở thành ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh.

a170(1).jpg
Ở thượng nguồn, sông Sài Gòn chảy qua nhiều vùng quê yên bình.
a176.jpg
Ngã ba Đèn Đỏ ở quận 7, nơi sông Sài Gòn hòa với hệ thống sông Đồng Nai, theo sông Lòng Tàu chảy ra biển.

Ở hạ lưu, sông hợp với hệ thống sông Đồng Nai rồi cùng theo luồng sông Lòng Tàu chảy qua huyện Cần Giờ của thành phố Hồ Chí Minh để ra Biển Đông, kết thúc chiều dài hơn 256km của mình.

Trong đó, 80km sông chảy qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng hơn, với hình tượng “trên bến dưới thuyền” của thương cảng Sài Gòn nhộn nhịp từ 100 năm trước, từng là đầu mối xuất nhập khẩu 75% lượng hàng hóa cho toàn Đông Dương.

a179.jpg
Sông Sài Gòn đã, đang và sẽ là tuyến vận tải thủy quan trọng của cả vùng.

Thương cảng trong nội đô nổi tiếng bởi sông Sài Gòn, một cửa ngõ lưu thông đặc biệt của đô thị Gia Định – Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh tuy cách biển gần 100km, nhưng có độ sâu tốt, đến 20m, rộng đến 370m, đủ chỗ cho tàu thủy trọng tải lớn ra vào, neo đậu.

Gọi chung là sông Sài Gòn, nhưng trên hành trình hơn 256km của mình, sông có nhiều đoạn với tên gọi khác nhau: Đoạn từ đầu nguồn (tỉnh Bình Phước) chảy qua tỉnh Tây Ninh đến gần chợ Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương, sông có tên là Ngã Cái. Đoạn sau đó đến bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh), sông có tên là Thủ Khúc. Đoạn còn lại gọi là sông Sài Gòn, hay sông Bến Nghé. Đoạn này trong sách sử cũ còn có lúc được gọi là Tân Bình Giang, vì chảy qua phủ Tân Bình xưa.

a165(1).jpg
Trên hành trình hơn 256km của mình, sông Sài Gòn có nhiều tên gọi.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện có hai địa danh cảng nổi tiếng là bến Nhà Rồng và bến Bạch Đằng. Bến cảng Nhà Rồng là di tích lịch sử nổi tiếng, gắn liền với hành trình đi tìm đường cứu nước vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tòa nhà với hai con rồng đắp nổi trên nóc từng là trụ sở của thương cảng Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1863.

a175a.jpg
Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Chính tại bến cảng này, vào ngày 5-6-1911, Bác Hồ đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville rời Việt Nam sang Pháp và bắt đầu cuộc hành trình làm nên những chiến thắng vĩ đại cho dân tộc.

Bến Bạch Đằng có khuôn viên lên đến hơn 23.400m2, trong đó có gần 1,3 km khu vực của bến giáp ranh với sông Sài Gòn. Trước đây, nơi này được dùng làm bến cảng cho tàu thuyền từ khắp nơi về neo đậu. Giờ đây, bến Bạch Đằng được thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng thành công viên lớn, là điểm tham quan và vui chơi nổi tiếng của thành phố.

a180a.jpg
Bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo đứng oai phong chỉ tay ra bến Bạch Đằng. Ảnh: Hải Long.

Bến sông từng nhộn nhịp nhất thành phố được lấy tên là bến Bạch Đằng, nhằm ngưỡng vọng chiến công hiển hách của cha ông từng 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông vào các năm 938, 981, 1288.

Cũng để tôn vinh, tưởng nhớ tiền nhân, khu vực trung tâm của bến Bạch Đằng có tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Người đứng đó với dáng vẻ uy phong, lẫm liệt, chỉ thẳng tay về bến.

a164(1).jpg
Ngày nay, sông Sài Gòn còn là điểm du lịch, vui chơi nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo Quân.
a166(1).jpg
a174.jpg
a161(1).jpg

Giờ đây, khi các bến cảng nhộn nhịp được chuyển ra các khu vực rộng lớn hơn ven sông Lòng Tàu, sông Sài Gòn trở thành con sông cảnh quan của những đô thị nơi nó đi qua.

Từ Bình Phước đến Tây Ninh, từ Bình Dương đến thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền các địa phương đã, đang và sẽ nỗ lực tạo dựng những không gian sống đẹp, tiện ích ven sông.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền và người dân thành phố đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng những lợi thế của địa phương và sự trợ giúp từ Trung ương thông qua cơ chế, chính sách đặc thù mới được thông qua tại Nghị quyết 98 của Quốc hội.

a167a.jpg

Tất cả đang chung sức, đồng lòng, mong sớm tạo nên một "Kỳ tích sông Sài Gòn" trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.