Diễn viên Lê Trung Tuấn: Dám thử sức với những vai diễn khó
Từ khi còn là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Lê Trung Tuấn (sinh năm 1991) đã được đặc cách tuyển vào Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Với vai Lê Long Đĩnh trong vở “Lý triều dựng nghiệp” - vai diễn đầu tiên được đóng kép chính, anh đã giành Huy chương Bạc Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2018.
Từ đó đến nay, anh liên tục đảm nhiệm các vai nặng ký như vua Lê Thánh Tông (vở “Bên ánh Sao Khuê”, năm 2018), vai Nguyễn Lâm - con trai Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trong vở “Bất tử với Thăng Long” - Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu Thủ đô 2022...
- Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, cơ duyên nào đưa anh đến với cải lương?
- Tôi đến với cải lương hoàn toàn tình cờ. Dù gia đình không có ai theo nghệ thuật, nhưng không hiểu sao trong tôi đã dành tình cảm yêu quý cải lương, từ nhỏ cứ nghe dần rồi ngấm. Tôi cũng ý thức được rằng, một khi đã đam mê nghệ thuật truyền thống thì phải trau dồi, thậm chí thử thách mình, đặc biệt trong bối cảnh kinh kế khó khăn, sự đầu tư cho các ngành nghệ thuật dân tộc và sự chú ý của khán giả cũng chưa nhiều. Khi quyết tâm gắn bó với cải lương, tôi nung nấu suy nghĩ là làm thế nào để đưa cải lương đến với khán giả trẻ, để họ biết đến môn nghệ thuật này nhiều hơn.
Tôi nhớ năm học lớp 11, Đoàn nghệ thuật cải lương Thanh Hóa về trường tuyển diễn viên. Tôi mạnh dạn thử sức, không ngờ lại trúng tuyển. Sau đó, tôi được học trung cấp nghệ thuật 3 năm rồi về Đoàn nghệ thuật cải lương Thanh Hóa công tác. Tôi quyết tâm học lên đại học, mất 4 năm nữa. Trong quãng thời gian ấy, cải lương ngấm sâu hơn và tôi càng chắc chắn hơn niềm say mê của mình với ngành học đã chọn.
- Vai chính đầu tiên - Lê Long Đĩnh hẳn là một vai diễn khó đối với một diễn viên trẻ như Lê Trung Tuấn lúc đó?
- Đúng vậy, lúc ấy tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, nhất là vai diễn ấy lại không thuộc sở trường của tôi. Trước đó, tôi thường được giao vai chính diện, những vai công tử, hoàng tử hiền lành. Còn nhân vật vua Lê Long Đĩnh hung hãn bạo ngược, đam mê tửu sắc, róc mía trên đầu sư… đòi hỏi diễn viên thể hiện diễn biến nội tâm phức tạp. May mắn là tôi được dẫn dắt bởi Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Quỳnh Mai cũng như sự hỗ trợ từ các nghệ sĩ của Nhà hát.
Khi nhận vai, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, đồng thời tìm hiểu trên sách báo về những hành động, cử chỉ để học hỏi và tạo ra nét riêng cho mình. Khi diễn xong, mọi người khá bất ngờ bởi Lê Long Đĩnh là một vai phản diện khó mà nhiều khi chỉ những diễn viên có nghề, lâu năm kinh nghiệm mới có thể hoàn thành tốt được.
- Qua vai diễn đầu tay ấy, Lê Trung Tuấn được Ban Giám đốc Nhà hát tin tưởng giao những vai diễn nặng ký khác. Anh làm thế nào để cân bằng giữa câu chuyện làm nghề chuyên nghiệp và mối lo “cơm áo gạo tiền”, đặc biệt là khi mới vào nghề?
- Phải thừa nhận là những diễn viên trẻ như tôi phải “chạy sô” rất nhiều bởi còn phải lo cuộc sống gia đình. Để đảm bảo việc chuyên môn ở cơ quan, tôi phân chia thời gian: Ban ngày thì tập ở Nhà hát, buổi tối tranh thủ đi hát, biểu diễn nếu công việc ở cơ quan không quá nhiều. NSND Hoàng Quỳnh Mai, người đã và đang dìu dắt chúng tôi luôn đòi hỏi sự nghiêm túc, kỹ càng mỗi khi tham gia biểu diễn vở mới.
Cũng thú thực là trong một số tình huống tôi đã quên lời. Lúc ấy diễn viên phải ứng biến, nghĩ một đoạn khác thật nhanh trong đầu để “lấp chỗ trống” một cách hài hòa, hợp lý. Lợi thế của tôi là sức trẻ, gương mặt sân khấu sáng sủa theo như nhận định của mọi người. Còn nhược điểm là nhiều khi chưa tập trung vào công việc. Đó cũng là lý do tôi học kịch bản khá lâu, khó nhập vai. Có những anh chị ở Nhà hát, sau khi nhận kịch bản thì một tuần sau đã thuộc, còn tôi phải mất đến 2 - 3 tuần.
- 10 năm trên sân khấu để lại cho anh kỷ niệm nào đáng nhớ?
- Đó là khi tôi vào vai vua Lê Thánh Tông trong vở “Bên ánh Sao Khuê”. Mặc dù không phải là vai chính nhưng tôi lại cảm thấy tâm đắc. Khi khán giả xem, người ta đã xúc động và hỏi về tôi, đón nhận và dành tình cảm cho những điều tôi đóng góp cho vở diễn. Để vào vai vua Lê Thánh Tông, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhân vật này. Đó là vị vua cao cả, anh minh, giải oan cho Nguyễn Trãi và Thị Lộ sau thảm án Lệ Chi viên.
- Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ Lê Trung Tuấn!