An toàn thực phẩm

Quản lý an toàn thực phẩm: Kiểm soát từ vùng sản xuất tập trung

Ngọc Quỳnh 05/08/2023 - 06:40

Nhằm bảo đảm chất lượng nông sản từ sản xuất đến khâu tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tập trung kiểm soát ngay từ đầu vào gồm vật tư nông nghiệp và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.

che-at.jpg
Thu hoạch chè tại Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn

Hình thành các vùng sản xuất an toàn

Vấn đề quản lý an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng, nhằm cung cấp ra thị trường những mặt hàng nông sản được dán tem, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Do đó, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, để giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, mang lại giá trị kinh tế cao. Cụ thể, toàn huyện có 1.745ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao; 545ha vùng sản xuất rau an toàn; 130ha vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh giá trị kinh tế cao; 146,77ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh. Ngoài ra, toàn huyện có 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 14 chuỗi liên kết...

“Việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, không những tạo thuận lợi cho người dân trong việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mà còn cho giá trị thu nhập cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa. Không những thế, còn tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong vấn đề kiểm soát nguồn gốc xuất xứ nông sản bán trên thị trường...”, ông Bùi Công Thản cho hay. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) Đào Thị Quý, hiện nay xã đã quy hoạch vùng trồng chè an toàn với diện tích sản xuất gần 100ha. Hợp tác xã đóng vai trò liên kết các hộ tham gia sản xuất ở tất cả các khâu, như: Giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, chăm sóc cây trồng... Hiện tại, chè an toàn Bắc Sơn được cấp chứng nhận VietGAP và nhãn hiệu tập thể giúp tiêu thụ thuận lợi hơn và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho biết, nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội, các địa phương đã quy hoạch những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, như: Vùng sản xuất rau an toàn tập trung ở các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Đan Phượng, Chương Mỹ...; vùng nuôi trồng thủy sản ở huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Phú Xuyên; vùng chăn nuôi tập trung ở huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai... Đặc biệt, nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm từ các cơ sở sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tổ chức ký cam kết với 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ ban đầu chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm...

Quản lý chặt chẽ từ đầu vào tới đầu ra

Hiện tại, việc sản xuất an toàn vẫn còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp của Hà Nội nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, gây khó khăn cho người dân trong việc mở rộng quy mô sản xuất.

Để tiếp tục mở rộng vùng sản xuất tập trung, hàng hóa, quy mô lớn, tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong giám sát nguồn gốc nông sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh thông tin, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó chú trọng tới các vùng sản xuất rau hữu cơ, nuôi lợn an toàn sinh học..., bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh việc đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, kiểm soát chặt chẽ vật tư nông nghiệp đầu vào, như: Phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh dùng trong chăn nuôi và trồng trọt; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định. Huyện quan tâm củng cố và xây dựng các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ…

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu cho thành phố quản lý chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Cùng với đó, phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác quản lý giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Duy trì chương trình giám sát sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng, theo vùng sản xuất tập trung, sản phẩm có rủi ro cao, cảnh báo, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, từng bước đưa việc quản lý an toàn thực phẩm từ gốc đi vào nền nếp.

Ngoài ra, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo thêm nhiều sản phẩm trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các tác nhân, các khâu trong chuỗi. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh.