Chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn
Ngày 4-8, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia cho "Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, một trong những giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển của nhiều quốc gia là chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống sang thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Liên quan đến nội dung trên, ngày 7-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Được sự phân công của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM chủ trì và xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, CIEM đề xuất 6 nội dung chính sách trong dự thảo. Đó là: chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phân loại xanh; chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách đất đai.
Với chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế, CIEM đề xuất cho phép dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm có các cấu phần công nghiệp - năng lượng và dịch vụ với tổng tỷ trọng ít nhất 50% trong tổng doanh thu được phép thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Với chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được Nhà nước, chính quyền địa phương tư vấn giới thiệu công nghệ, hỗ trợ 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ. Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm lập danh sách, hồ sơ thông tin chuyên môn, năng lực chuyên gia, hồ sơ chứng minh chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật thuế, khoa học công nghệ, pháp luật khác về việc ưu đãi chi trả cho chuyên gia làm việc trong dự án tham gia cơ chế thử nghiệm.
Ngoài ra, các dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm nhận chuyển giao công nghệ được Nhà nước miễn thuế nhập khẩu, chuyển giao trang thiết bị công nghệ phục vụ dự án, ưu tiên thông quan hàng hóa. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn. Đối với chính sách phát triển nguồn nhân lực, Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí cho một khóa quản trị doanh nghiệp cho tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm.
Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề, chi phí chuyển đổi nghề nghiệp nhưng không vượt quá 3 tháng lương cơ sở cho mỗi người lao động.
Với chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh, dự án kinh tế tuần hoàn được quyền tiếp cận các nguồn vốn thông thường và xanh. Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được tiếp cận vốn thông qua trái phiếu xanh, song có đặt ra các giới hạn cụ thể và bảo đảm các quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu...
Ông Nguyễn Hoa Cương cho biết, các ngành được lựa chọn thử nghiệm phải có không gian đủ rộng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên các ngành có thể sớm tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn. Các công cụ chính sách được thử nghiệm cũng phải bảo đảm tập trung, thực chất, tránh tràn lan...
Các chuyên gia cho rằng, để sớm hiện thực hóa lợi ích từ mô hình kinh tế tuần hoàn, việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư sớm chuyển đổi, phát triển thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do kinh tế tuần hoàn gắn liền với tư duy mới, dựa vào đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau nên cần có cách tiếp cận tuần tự, phù hợp nhằm hoàn thiện các chính sách liên quan.