Gắn học với hành, lý luận với thực tiễn
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục gặt hái nhiều thành tích trong dạy, học. Việc tổ chức bài học STEM, giao bài tập thực hành... trở thành quen thuộc với học sinh.
Đây là minh chứng cho nỗ lực của các nhà trường để gắn học với hành, lý luận với thực tiễn theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Hành trình từ lý thuyết đến thực tế
Dịp hè năm nay, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình) sôi động hơn bởi có nhiều học sinh tham gia câu lạc bộ giáo dục STEM (phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng...) và nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Dịp hè từ lâu đã trở thành “điểm hẹn” của những học sinh say mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, cũng là nơi ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo còn dang dở từ cuối năm học.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ Tô Thị Hải Yến cho biết, hành trình giáo viên cùng học trò vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề của thực tế không dễ, nhưng đem đến nhiều trải nghiệm thú vị. Các kỹ năng như làm việc nhóm, thảo luận, thuyết trình, phản biện… của học sinh ngày càng hoàn thiện một cách tự nhiên thông qua các hoạt động giáo dục STEM. Nhà trường xác định STEM cùng các hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm giúp học sinh gắn kiến thức lý thuyết với thực hành.
Năm học mới 2023-2024, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ chính thức triển khai giáo dục STEM. Quyết định này dựa trên kết quả 1 năm thí điểm giáo dục STEM ở 10 trường tiểu học. Là một trong số những trường đã tham gia thí điểm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) Trần Thị Bích Liên chia sẻ, tham gia thí điểm là cơ hội để giáo viên nhà trường được tập huấn, bồi dưỡng thêm kỹ năng tổ chức bài dạy theo hướng tích hợp, đưa kiến thức đến gần hơn với cuộc sống, tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em tăng kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế.
Còn em Trần Hải An, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) cho biết, “chúng em đã lớn, nên quen với việc tự giải quyết vấn đề thông qua đọc sách, tìm hiểu trên mạng internet… Chúng em không bị áp lực vì điểm số, vì các thầy, cô quan tâm nhiều đến việc các học sinh cùng nhau giải quyết vấn đề như thế nào và mỗi người thu hoạch được gì sau hành trình đó”.
Gặt hái “quả ngọt”
Tin vui mới nhất với ngành Giáo dục Thủ đô, các đội thi của học sinh thành phố Hà Nội đều xuất sắc giành Huy chương vàng cuộc thi Olympic Phát minh và sáng chế khoa học quốc tế năm 2023 diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 27 đến ngày 29-7. Các dự án đều do học sinh các trường lên ý tưởng, tổ chức nghiên cứu theo hướng dẫn của thầy, cô giáo, trong đó học sinh Trường Trung học cơ sở Giảng Võ giành 3 Huy chương vàng, Huy chương vàng còn lại được trao cho nhóm 5 học sinh của một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đại diện nhóm tác giả dự án “Dùng vật liệu nhiệt điện để chế tạo thùng bảo quản giữ nhiệt dùng cho vận chuyển vắc xin tới các vùng núi Việt Nam” vừa giành Huy chương vàng tại Olympic Phát minh và sáng chế khoa học quốc tế, em Nguyễn Minh Hải, lớp 10A3 tin, Trường Trung học phổ thông chuyên khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, ý tưởng được nhóm triển khai khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hiện nay, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, song vẫn có thể còn nhiều bệnh cần đến sự hỗ trợ của vắc xin. Vì vậy, nhóm đã nghiên cứu chế tạo tủ giúp bảo quản các loại vắc xin với nhiệt độ mong muốn trong thời gian dài.
Đó chỉ là một vài điểm nhấn cho những nỗ lực của các nhà trường trong việc cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TƯ thông qua đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, giúp học sinh rèn kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2022-2023, hơn 75% số trường phổ thông trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM và hỗ trợ khởi nghiệp… Thành phố Hà Nội cũng là địa phương đóng góp tích cực vào thành quả chung của cả nước trong 10 năm tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế. Đáng chú ý là từ năm 2017 tới nay, 100% dự án của học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi cấp quốc gia đều đạt giải.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhận định, thông qua các hoạt động giáo dục gắn kết lý thuyết với thực hành, bên cạnh phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh, năng lực hướng dẫn và nghiên cứu khoa học của giáo viên cũng được nâng cao. Có thể thấy, việc dạy và học ở các nhà trường trên địa bàn Thủ đô ngày càng có nhiều chuyển biến theo hướng phát triển năng lực học sinh.