Chỉ số nhà quản trị mua hàng tiếp đà tăng
Tin từ Bộ Công Thương hôm nay (3-8) cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7 (so với mức 46,2 điểm của tháng 6; 45,3 của tháng 5 và 46,7 điểm của tháng 4). Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm chậm hơn.
Do vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 khởi sắc hơn, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu nên tính chung 7 tháng năm 2023, IIP ước giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ tăng 9,5%); ngành khai khoáng giảm 1,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%.
Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,2%; khai thác quặng kim loại và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,6%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu tăng 7,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 6,4%.
Ngoài ra, chỉ số IIP của một số ngành giảm như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 6,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,2%; sản xuất trang phục giảm 5,5%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như xăng dầu tăng 13,2%; tivi tăng 11,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,9%... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ô tô giảm 19,6%; điện thoại di động giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 16,7%; xe máy và xi măng cùng giảm 5,8%; quần áo mặc thường giảm 5,7%; phân u rê giảm 4,4%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-7 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,9% so với cùng thời điểm năm trước.